Tốc độ mắc bệnh sởi ở Hà Nội tăng chóng mặt, dịch diễn biến khó lường
Chỉ trong 1 tuần lễ, Hà Nội ghi nhận thêm 23 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng 9 trường hợp so với tuần trước. Mặc dù chưa có ca biến chứng nguy hiểm nhưng diễn biến dịch được nhận định đang rất khó lường.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận tổng số 32 trường hợp mắc sởi. Số mắc đang có xu hướng gia tăng nhanh. Trong vòng một tuần qua đã xuất hiện thêm 23 ca mắc mới.
Bệnh nhân mắc sởi ghi nhận ở nhiều lứa tuổi khác nhau như trẻ dưới 9 tháng chưa đến tuổi tiêm chủng và cả người lớn, trong đó, đa số bệnh nhân mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.
Bệnh nhân bị sởi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, với diễn biến của thời tiết hiện nay (mùa đông xuân) là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sởi, tay chân miệng, ho gà... phát triển.
Đặc biệt, nhiều gia đình do chủ quan, lo ngại về các phản ứng sau tiêm chủng, nhất là vừa qua xảy ra một số trường hợp trẻ bị tai biến sau tiêm vắc-xin “5 trong 1” mới ComBE Five nên không cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, chiến dịch tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn Thành phố thời gian qua đã được triển khai rất tốt, kết quả tiêm đạt 94,85%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 đơn vị có kết quả tiêm chưa đạt quy định gồm: Đống Đa (57,4%), Hoàng Mai (74,9%), Hoàn Kiếm (91,2%), Ba Đình (91,9%).
Đây là nguy cơ khiến các bệnh dịch có thể gia tăng trong thời gian tới, bởi những trường hợp chưa được tiêm phòng, chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi đều có thể bị mắc sởi.
Sởi thường diễn biến tự khỏi, tuy nhiên có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng,... Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà người bệnh vẫn còn sốt.
Về điều trị bệnh sởi, chủ yếu là các biện pháp điều trị hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể, cần đổi quan niệm là sởi thì cần phải kiêng nước kiêng gió. Sau khoảng 1-2 tuần thì sẽ hồi phục hoàn toàn.
Trước tình hình trên, ngành y tế khuyến cáo người dân cần tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh như chủ động vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng cơ thể và đặc biệt là đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu để phòng bệnh sởi. Tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin sởi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…).
Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.
Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
L.Minh
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21