7 món ngon ngày Tết người tiểu đường nên hạn chế
Dù bánh chưng, bánh tét chiên, chè kho, lạp xưởng, các loại mứt, xôi vò rất hấp dẫn nhưng người bệnh tiểu đường nên hạn chế vì dễ làm tăng đường huyết.
ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường là duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định lâu dài, kiểm soát các tình trạng đi kèm như mỡ máu, huyết áp... nhằm phòng ngừa biến chứng.
Ngày Tết cổ truyền Việt có nhiều loại bánh, trái hấp dẫn. Tuy nhiên, một số món ăn chứa nhiều tinh bột, đường, chất béo bão hòa dễ làm tăng đường huyết. Người bệnh nên dùng lượng vừa phải, kết hợp với các món ngon khác để ít ảnh hưởng đến đường huyết hơn.
Bác sĩ Bích lưu ý các món ăn truyền thống phổ biến trong ngày Tết dưới đây dễ làm tăng nhanh lượng đường trong máu.
Bánh chưng, bánh tét chiên với thành phần chính là gạo nếp, nhân bánh đa dạng với đậu xanh, thịt heo, thịt mỡ, chuối sáp, dừa, đậu phộng. Trong đó, gạo nếp nằm trong nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, ăn nhiều làm tăng đường huyết. Chất béo bão hòa từ đồ chiên dễ gây tăng cân, thừa cân, tăng mỡ máu.
Chè kho (chè khoán) thường được nấu từ đậu xanh bỏ vỏ, đường, muối, nước cốt dừa. Đậu xanh nằm trong nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nhưng qua quá trình chế biến được tách vỏ, loại bỏ bớt chất xơ. Khi nấu nhuyễn hòa quyện cùng đường, nước cốt dừa lại trở thành món ăn làm tăng lượng đường trong máu nhanh.
Bánh thuẫn (bánh thửng) có hình dáng giống chiếc bánh cupcake, vị ngọt, thơm, bùi. Bánh được làm từ bột bình tinh, đường, dầu ăn, trứng vịt, trứng gà, gừng... Loại bánh này ngọt, có chỉ số đường huyết cao. Người bệnh tiểu đường không dùng quá nhiều bánh thuẫn trong ngày Tết vì có thể làm tăng đường huyết.
Lạp xưởng là thực phẩm chế biến sẵn với thành phần gồm thịt nạc, thịt mỡ heo, đường, rượu, ruột heo... chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Người bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều món này.
Các loại mứt thường được ướp với đường và rim (cách nấu nhằm cô đặc, làm mềm bằng lửa nhỏ trong thời gian dài) hoặc sên đường. Người bệnh tiểu đường nên hạn chế mứt trái cây, mứt ngũ quả.
Các loại mứt, kẹo Tết chứa lượng đường cao có thể làm đường huyết tăng vọt. Ảnh: Freepik
Xôi vò được chế biến từ gạo nếp, đường, muối, mỡ gà, đậu xanh. Lượng tinh bột đường nhiều trong món ăn này không có lợi cho người bệnh tiểu đường.
Bánh gai với thành chính là gạo nếp, lá gai, đậu xanh, đường. Đây không phải là lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường vì chứa nhiều đường và tinh bột, làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn.
Người tiểu đường có nhiều lựa chọn món ngon ngày Tết. Tuy nhiên, bác sĩ Bích khuyến cáo để kiểm soát đường huyết tốt nhất, người bệnh nên ăn các món chứa ít tinh bột đường. Nếu ăn những món nhiều đường bột ở trên thì lượng vừa phải, đồng thời, kiểm soát và gia giảm thực phẩm khác trong ngày giúp tránh tăng đường huyết quá cao.
Tin nổi bật
- Người mắc tiểu đường type 2 có nguy hiểm?
11/06/2024 - 14:54:24
- Điều gì xảy ra khi tăng và hạ đường huyết?
04/01/2024 - 15:06:31
- Bác sĩ cảnh báo biến chứng mạn tính nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường
21/06/2023 - 10:31:04
- Triệu chứng cảnh báo cơ thể không dung nạp glucose
22/02/2023 - 09:47:22
- Vì sao bị viêm tuyến giáp? Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?
20/02/2023 - 10:25:02
- Triệu chứng và cách điều trị bướu cổ
08/10/2022 - 10:13:24