Điều gì xảy ra khi tăng và hạ đường huyết?
Hạ hay tăng đường huyết quá ngưỡng an toàn đều gây ra những biến chứng như mất nước nghiêm trọng, hôn mê, suy đa tạng, tử vong.
Lượng đường trong máu bình thường lúc đói dao động 70-100 mg/dL. Chỉ số này ở bệnh nhân tiền đái tháo đường khoảng 100-125 mg/dL. Khi đường máu lúc đói trên 126 mg/dL, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Triệu chứng hạ đường huyết gồm cảm giác đói, chóng mặt, lo lắng, cáu kỉnh, đổ mồ hôi, ngứa môi, tim đập nhanh, mệt mỏi, yếu người, mờ mắt, bối rối... Người bệnh có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng khác như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn tri giác, hôn mê, đột tử...
Khi đường huyết tăng quá cao, cơ thể thường có biểu hiện như khát nhiều, uống nhiều, mệt nhiều, mờ mắt.
Người bệnh đái tháo đường thường gặp tình trạng tăng đường huyết do bỏ điều trị, quên uống thuốc, không tuân thủ chế độ ăn kiêng. Một số khác bị hạ đường huyết nặng với nhiều lý do như tiêm insulin quá liều, bỏ ăn, nhịn ăn quá mức.
Người không bị đái tháo đường cũng có thể bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết, mức độ thường không nặng nề như ở bệnh nhân đái tháo đường. Các nguyên nhân phổ biến như nhịn ăn kéo dài, dùng thuốc không đúng cách, uống nhiều rượu, tăng sản xuất insulin, mắc các bệnh mạn tính như xơ gan, bệnh thận, nhiễm trùng nặng.
Trường hợp tăng đường huyết không do bệnh đái tháo đường cũng có thể gặp do căng thẳng kéo dài, dùng nhiều thuốc có chứa corticoid, thiếu ngủ, ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột, thừa cân béo phì, một số khối u chèn ép tuyến tụy...
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tăng và hạ đường huyết đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đe dọa tính mạng người bệnh. Người bệnh đái tháo đường bị lượng đường trong máu cao kèm thiếu hụt insulin có nguy cơ nhiễm toan ceton (tích tụ nhiều chất chuyển hóa dạng ceton có tính axit trong máu) hoặc hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu (biến chứng nguy hiểm ở người tiểu đường do đường huyết cao) gây mất nước nghiêm trọng, hôn mê, suy đa tạng, tử vong.
Đường huyết tăng trong thời gian dài còn gây biến chứng tổn thương mạch máu lớn nhỏ, tổn thương thần kinh cảm giác, vận động, ảnh hưởng lên mắt, chức năng thận, tim.
Hạ đường huyết nặng gây ra các triệu chứng như chóng mặt, rối loạn tri giác. Ảnh: Freepik
Để tránh tăng hoặc hạ đường huyết, người bệnh đái tháo đường nên uống thuốc đủ liều, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự đổi loại, điều chỉnh liều lượng thuốc, bỏ thuốc. Người bệnh lớn tuổi nên có con cháu chăm sóc, theo dõi để tránh uống hoặc tiêm thuốc quá liều hoặc quên dùng thuốc.
Người bệnh cần chú ý dinh dưỡng như lượng carbohydrate ăn vào hàng ngày, hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao như đường tinh luyện, mạch nha mật ong, nước ngọt, sữa có đường, hạn chế không ăn đồ chiên nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn nhiều rau xanh.
Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, không thức khuya, ăn đêm, ăn vặt nhiều, nên ngủ đủ giấc, thư giãn giảm căng thẳng. Tái khám định kỳ thường xuyên, xét nghiệm HbA1c ít nhất hai lần mỗi năm. Tầm soát sớm biến chứng đái tháo đường trong đó có biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bị đái tháo đường hay không mắc bệnh, nếu có các triệu chứng tăng hoặc hạ đường huyết cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Một số trường hợp tăng hoặc hạ đường huyết là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm.
Tin nổi bật
- Người mắc tiểu đường type 2 có nguy hiểm?
11/06/2024 - 14:54:24
- 7 món ngon ngày Tết người tiểu đường nên hạn chế
05/02/2024 - 10:08:55
- Bác sĩ cảnh báo biến chứng mạn tính nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường
21/06/2023 - 10:31:04
- Triệu chứng cảnh báo cơ thể không dung nạp glucose
22/02/2023 - 09:47:22
- Vì sao bị viêm tuyến giáp? Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?
20/02/2023 - 10:25:02
- Triệu chứng và cách điều trị bướu cổ
08/10/2022 - 10:13:24