Triệu chứng cảnh báo cơ thể không dung nạp glucose
Không dung nạp glucose (đường) thường gặp ở người bệnh tiền tiểu đường, tiểu đường type 2 với các triệu chứng như khát nước quá mức, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên.
Không dung nạp glucose là một nhóm các tình trạng trao đổi chất dẫn đến mức đường trong máu cao hơn bình thường. Không dung nạp glucose gồm có nhiều loại như suy giảm glucose lúc đói, rối loạn dung nạp glucose, tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường không dung nạp glucose dẫn đến mức đường trong máu cao hơn bình thường (tăng đường huyết).
Chẩn đoán | Phạm vi đường huyết (mg/dL) |
Mức đường huyết bình thường | dưới 100 |
Suy giảm glucose lúc đói | 100-125 |
Rối loạn dung nạp glucose | 140-199 |
Tiền tiểu đường | 100-125 |
Tiểu đường type 2 | Từ 126 trở lên |
Không dung nạp glucose không có triệu chứng rõ ràng, nhưng có thể có các dấu hiệu giống bệnh tiểu đường như khát nước liên tục, mệt mỏi, mờ mắt, thường xuyên đi tiểu, bệnh thần kinh (ngứa ran, đau hoặc tê ở tứ chi), vết thương hoặc vết bầm tím chậm lành.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro đối với chứng không dung nạp glucose về cơ bản là giống nhau như tuổi tác, thừa cân, chế độ ăn uống kém lành mạnh, ít vận động... Dù chứng không dung nạp glucose có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người trên 45 tuổi. Người thừa cân, béo phì do chất béo dư thừa trong cơ thể làm thay đổi nội tiết tố và các chất khác theo cách góp phần gây ra các vấn đề về sử dụng insulin. Nếu cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn. Di truyền cũng có thể khiến một người bị béo phì hoặc thừa cân.
Một số xét nghiệm có thể chẩn đoán tình trạng không dung nạp glucose như xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm dung nạp glucose đường uống trong hai giờ, xét nghiệm HbA1C, xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên.
Một số tình trạng không dung nạp glucose
Suy giảm đường huyết lúc đói
Suy giảm đường huyết lúc đói là tình trạng liên quan đến mức đường huyết lúc đói cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để được xem là bệnh tiểu đường. Nhưng đây là một giai đoạn trong quá trình tiến triển tự nhiên đối với bệnh tiểu đường. Nếu bạn bị suy giảm đường huyết lúc đói thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao. Mức glucose lúc đói bị suy giảm khoảng 100 đến 125 miligam trên decilit (mg/dL) hoặc 5,6-6,9 milimol trên lít (mmol/L). Phát hiện tình trạng suy giảm đường huyết lúc đói giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Rối loạn dung nạp glucose
Rối loạn dung nạp glucose làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Song, nhiều người không có triệu chứng này trong một thời gian dài. Một số người bị rối loạn dung nạp glucose đã có biến chứng tiểu đường vào thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2. Chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose được xác định bằng xét nghiệm dung nạp glucose đường uống với kết quả 140-199 mg/dL (7,8-11,0 mmol).
Tiền tiểu đường
Người bị tiền tiểu đường có thể bị suy giảm đường huyết lúc đói và rối loạn dung nạp glucose. Trong giai đoạn tiền tiểu đường, các tế bào của người bệnh không phản ứng với insulin. Tuyến tụy sau đó sản xuất nhiều insulin hơn để giúp các tế bào phản ứng nên gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ insulin và lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Đây là giai đoạn đầu của tiền tiểu đường. Nếu không được quản lý hoặc ngăn chặn, nó có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Chỉ số đường huyết thay đổi sau khi kiểm tra có thể do không dung nạp glucose. Ảnh: Freepik
Bệnh tiểu đường type 2
Với bệnh tiểu đường type 2, phản ứng của cơ thể với insulin bị ảnh hưởng hơn nữa và lượng đường trong máu cao hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng như bệnh thận, mất thị lực, bệnh tim. Người bệnh tiểu đường type 2 nên theo dõi đường huyết thường xuyên, thăm khám và uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Cách cải thiện không dung nạp glucose
Các tình trạng liên quan đến không dung nạp glucose có thể được cải thiện bằng thay đổi lối sống và dùng thuốc.
Thay đổi lối sống: Bạn có thể kiểm soát tình trạng không dung nạp glucose bằng cách thay đổi ba yếu tố trong lối sống là ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên, cân nặng hợp lý. Về chế độ ăn uống, ăn đúng giờ, đúng bữa mỗi ngày có thể giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Mọi người nên hạn chế các thức ăn nhiều chất béo hoặc đường, tránh uống rượu bia, nên chọn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả.
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đều đặn làm giảm lượng đường trong máu và giúp bạn đạt được hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh. Chất béo làm suy yếu việc sử dụng insulin nên giảm cân (nếu thừa cân) và giữ cân nặng ở mức hợp lý có thể cải thiện việc sử dụng insulin và lượng đường trong máu.
Dùng thuốc: Khi thay đổi lối sống vẫn không đạt được kết quả, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc giúp cơ thể xuất insulin và sử dụng nó hiệu quả hơn, tiêm insulin.
Tin nổi bật
- Người mắc tiểu đường type 2 có nguy hiểm?
11/06/2024 - 14:54:24
- 7 món ngon ngày Tết người tiểu đường nên hạn chế
05/02/2024 - 10:08:55
- Điều gì xảy ra khi tăng và hạ đường huyết?
04/01/2024 - 15:06:31
- Bác sĩ cảnh báo biến chứng mạn tính nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường
21/06/2023 - 10:31:04
- Vì sao bị viêm tuyến giáp? Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?
20/02/2023 - 10:25:02
- Triệu chứng và cách điều trị bướu cổ
08/10/2022 - 10:13:24