Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
Viêm phổi ở trẻ là vấn đề thường gặp khiến cha mẹ lo lắng. Bệnh có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm, sau khoảng vài ngày có thể tiên triển thành viêm phổi.
Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, viêm phổi có thể là nguyên nhân gây tử vong cao ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
1. Viêm phổi ở trẻ do đâu?
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn.
Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF ước tính, năm 2015, khoảng 16% trẻ tử vong dưới 5 tuổi là do viêm phổi. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ bị viêm phế quản phổi và viêm phổi nhập viện chiếm 25% trong tổng số trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Bệnh viêm phổi ở trẻ xảy ra quanh năm nhưng hay gặp vào mùa thu đông và đầu xuân. Viêm phổi chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, virus trú ngụ ở mũi họng và được phát tán khi trẻ ho, hắt hơi, chảy mũi. Trẻ sơ sinh có thể bị bệnh do lây qua đường máu ở giai đoạn khi sinh và ngay sau sinh.
Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi chủ yếu do virus. Tuy nhiên thực tế lâm sàng không dễ phân biệt căn nguyên do vi khuẩn hay virus. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ với khả năng miễn dịch bảo vệ thấp, khởi đầu có thể bị nhiễm virus, nhưng nếu không kiểm soát tốt, bội nhiễm vi khuẩn rất dễ xảy ra.
Các tác nhân gây bệnh hay gặp: streptococcus pneumoniae, hemophilus influenzae type b, group b streptococci, mycoplasma pneumoniae, respiratory syncytial virus, influenza virus và adenovirus.
Hiện đang là mùa lạnh, mưa ẩm nên dễ khiến trẻ viêm phổi.
2. Các biểu hiện của viêm phổi ở trẻ
Hầu hết các trường hợp bị viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi, rét run, mệt và bú kém. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể sốt hoặc không sốt thậm chí hạ thân nhiệt, bỏ bú và thường nhanh chóng bị suy hô hấp nặng.
Các biểu hiện viêm phổi nặng là trẻ khó thở, nhịp thở nhanh.
- Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi là ≥ 60 lần/phút.
- Nếu trẻ từ 2-12 tháng tuổi là ≥50 lần/phút.
- Ở trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi là ≥ 40 lần/phút; bú kém;
Trẻ phập phồng cánh mũi; co kéo cơ liên sườn, rút lõm lồng ngực, hõm ức; đau ngực khi ho hoặc thở sâu; tím môi, tím đầu chi và có thể có cơn ngừng thở.
Cha mẹ hay lưu ý quan sát nếu trẻ ho, sốt, thở nhanh hay thở gắng sức là các triệu chứng quan trọng nhất của bệnh viêm phổi. Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng. Trẻ thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ của cơ thể nhưng nếu không điều trị kịp thời trẻ sẽ kiệt sức và có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Trẻ có thể sốt vừa đến sốt cao hoặc đôi khi không có sốt. Trẻ nôn ói sau khi ho, có thể tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy… Khi thấy trẻ có các triệu chứng trên cha mẹ nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị kịp thời.
Hình ảnh tổn thương phổi bị viêm.
3. Cách chăm sóc trẻ viêm phổi
Khi trẻ viêm phổi sẽ ho, đây là phản xạ tốt để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở nên cha mẹ không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ không nên tự ý điều trị kháng sinh tại nhà.
Khi trẻ bị sốt cha mẹ cần chườm mát tích cực, lấy khăn nhúng vào nước ấm chườm nách, chán, bẹn không được lấy nước lạnh, nước đá để chườm cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tăng cường uống nước để giảm sốt và làm loãng đờm.
Vệ sinh và chế độ ăn cho trẻ rất quan trọng khi trẻ viêm phổi. Khi trẻ viêm phổi cha mẹ cần vệ sinh mũi miệng. Nếu dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nơi ở, đồ chơi cần vệ sinh, người chăm sóc cần phải rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
Cần cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị. Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để giảm ho.
4. Phòng viêm phổi ở trẻ
Hiện đang là mùa lạnh, mưa ẩm nên dễ khiến trẻ viêm phổi. Vì vậy để phòng viêm phổi cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vaccine như: Bạch hầu - ho gà - uốn ván, Hib, cúm, phế cầu…Đây là cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cho trẻ.
Cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.
Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay khi sinh ra đến khi 2 tuổi để cơ thể trẻ được phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.
Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nên thường không được điều trị đúng cách dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường. Do đó, khi có bất kỳ triệu chứng của bệnh viêm phổi, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25
- Virus RVS - "Kẻ thù" gây bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ
31/03/2023 - 14:10:36