Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
Nhiều người bệnh than phiền về tình trạng ngạt mũi liên tục dẫn đến khó thở, không ngủ được. Đi khám, các bác sĩ chẩn đoán phì đại cuốn mũi khiến người bệnh lo lắng. Vậy phì đại cuốn mũi do đâu, cần điều trị như thế nào?
Phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi to lên bất thường, cản trở hoạt động hô hấp qua mũi của người bệnh. Như chúng ta biết, cuốn mũi là một cấu trúc giải phẫu nằm ở mặt bên của mũi. Cuốn mũi được cấu tạo bởi xương xoăn mũi, phía trên có niêm mạc bao phủ. Cuốn mũi có hệ thống mạch máu phong phú nên có chức năng làm ấm và ẩm không khí hít vào, đồng thời cản bụi đi vào đường hô hấp, giúp việc trao đổi khí ở phổi diễn ra thuận lợi hơn.
Phì đại cuốn mũi gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh
Vì một lý do nào đó cuốn mũi bị phì đại sẽ có biểu hiện thường gặp là ngạt mũi liên tục khiến người bệnh khó thở cả khi ngồi hay nằm xuống.
– Người bệnh sẽ thấy tắc mũi, chảy mũi liên tục
– Có biểu hiện của viêm xoang tái phát
– Phì đại cuốn mũi gây tình trạng ngủ ngáy
– Có thể chảy máu cam bất thường
– Chức năng ngửi của người bệnh bị ảnh hưởng
Hình ảnh cuốn mũi bình thường và cuốn mũi phì đại.
Nếu bệnh không được chữa trị sớm và đúng phì đại cuốn mũi sẽ dẫn tới các biến chứng như: bệnh xoang mũi biến chuyển thành cấp tính hoặc mạn tính. Khoang mũi tắc nghẽn khiến lượng oxy lên não bị thiếu hụt khiến bệnh nhân dễ thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, giảm trí nhớ,… Thêm nữa, cuốn mũi phì đại tắc nghẽn lâu có thể làm mất chức năng của ngửi hoàn toàn.
Nguyên nhân của phì đại cuốn mũi
Có nhiều bệnh lý dẫn đến tình trạng phì đại cuốn mũi trong đó có nguyên nhân dị ứng mũi hoặc bất thường cấu trúc xương xoăn mũi hoặc lạm dụng thuốc nhỏ mũi ( co mạch) có thể dẫn đến hiện tượng sưng, viêm cuốn mũi, lâu dần sẽ gây ra hậu quả phì đại cuốn mũi, với biểu hiện thường gặp trên lâm sàng là ngạt mũi liên tục
Các nhóm nguyên nhân phổ biến khiến cuốn mũi bị phì đại là:
– Người bệnh mắc dị ứng: Với người cơ địa dị ứng nhất là tình trạng viêm mũi dị ứng nên khi tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài như bụi, khói, lông động vật, phấn hoa... khiến mũi bị kích ứng, tự tạo ra hàng rào bảo vệ, khiến cuốn mũi bị to lên.
– Người bệnh mắc lệch vách ngăn mũi: Trong một số trường hợp, lệch vách ngăn do dị tật bẩm sinh hoặc do chấn thương mũi ( thể thao, trò chơi hoạt động, nô đùa hoặc tai nạn giao thông) khiến cho cuốn mũi phì đại bù trừ đối diện với bên bị lệch vách ngăn mũi.
Khi có biểu hiện ngạt mũi hoặc bất thường cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Điều trị phì đại cuốn mũi
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phì đại cuốn mũi cho phù hợp. Các phương pháp có thể dùng là:
– Điều trị nội khoa: Các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc giảm sưng viêm cuốn mũi và liệu pháp miễn dịch. Nhằm cải thiện triệu chứng dị ứng ở người bệnh mắc phì đại. Phương pháp này đơn giản và hiệu quả và để rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân có thể được dùng thêm thuốc xịt steroid mũi.
– Điều trị ngoại khoa có thể sẽ được chỉ định khi người bệnh mắc phì đại phần cuốn mũi điều trị nội khoa thất bại hoặc không thể áp dụng các phương pháp nội khoa… thì các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định ngoại khoa giúp giảm kích thước cuốn mũi. Một số kỹ thuật thường dùng như loại bỏ một phần cấu trúc xương mũi, co nhỏ mô cuốn mũi, laser đốt cuốn, đốt thu nhỏ cuốn bằng DNR, Coblator …Nhờ đó tình trạng ngạt mũi của bệnh nhân cũng giảm thiểu đáng kể.
Để điều trị hiệu quả người bệnh không nên tự ý điều trị hoặc dùng thuốc. Điều này khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Mọi phương pháp đều cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại: Phì đại cuốn mũi là bệnh lý không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, gây nhiều khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống. Nếu chủ quan, bỏ qua điều trị thì bệnh dễ dẫn đến nhiều biến chứng vì vậy, khi có các biểu hiện về vấn đề tai mũi họng cần phải tới cơ sở y tế có uy điều trị dứt điểm. Không được tự điều trị, không điều trị theo mách bảo vì có thể khiến bệnh tiến triển nặng và gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Nhất là những người có nguy cơ cao bị phì đại cuốn mũi như: Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất hàng ngày. Có tiền sử mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp bao gồm: viêm mũi cấp, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA, lệch vách ngăn… cần điều trị sớm.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Virus RVS - "Kẻ thù" gây bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ
31/03/2023 - 14:10:36