Các nguyên nhân thường gặp của bệnh mày đay mạn tính
Mày đay mạn tính là bệnh lý thường gặp với triệu chứng sẩn phù hoặc phù mạch hoặc cả hai xuất hiện hàng ngày hoặc gần như hàng ngày trong thời gian trên 6 tuần.
Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, nguyên nhân của mày đay mạn tính vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, tác nhân kích thích đặc hiệu gây hoạt hóa tế bào mast, giải phóng các hóa chất trung gian tiền viêm như histamine gây sẩn phù, phù mạch, ngứa được cho là đóng vai trò trung tâm trong cơ chế bệnh sinh của mày đay mạn tính.
Mày đay mạn tính được chia thành 2 nhóm dựa trên yếu tố gây khởi phát đặc hiệu là mày đay mạn tính cảm ứng và mày đay mạn tính tự phát.
Nguyên nhân của mày đay mạn tính cảm ứng
Mày đay mạn tính cảm ứng đặc trưng bởi sự xuất hiện tái diễn sẩn phù, phù mạch hoặc cả hai sau kích thích của các tác nhân đặc hiệu bên ngoài. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Mày đay do chà xát, cào gãi (còn gọi là chứng da vẽ nổi) đặc trưng bởi sự xuất hiện của sẩn phù, có thể có phù mạch, ngứa hoặc rát sau khi chà xát, cào gãi, vạch trên da hoặc ở những vùng ma sát tự nhiên như nách, giữa 2 đùi…
Mày đay do rung đặc trưng bởi sự xuất hiện sẩn phù hoặc phù mạch, ngứa ở những vị trí chịu kích thích rung, ví dụ như lòng bàn tay sau khi lái xe và cầm vô lăng hoặc sau khi cắt cỏ…
Mày đay do áp lực chậm đặc trưng bởi sự xuất hiện dát đỏ và phù nề chậm sau một kích thích áp lực. Ví dụ, sưng nề bàn chân sau đi bộ, chạy nhảy, đi giày chật… sưng nề bàn tay sau xách túi nặng, sử dụng búa… dát đỏ, phù nề ở vị trí dây đeo ba lô, vị trí thắt dây an toàn, dây áo ngực, dây thắt lưng, vị trí lưng tựa vào ghế…
Mày đay do lạnh đặc trưng bởi sự xuất hiện của sẩn phù sau khi tiếp xúc với vật hoặc bề mặt lạnh.
Mày đay do nhiệt đặc trưng bởi sự xuất hiện của sẩn phù sau khi tiếp xúc với vật hoặc bề mặt có nhiệt độ cao.
Mày đay do ánh sáng mặt trời đặc trưng bởi dát đỏ và ngứa xuất hiện ở vùng da hở sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Mày đay cholinergic đặc trưng bởi dát đỏ, sẩn phù kèm ngứa xuất hiện sau khi tăng thân nhiệt như tập thể dục, đổ mồ hôi, hoặc tắm nước nóng. Xúc động hoặc ăn đồ ăn cay nóng cũng có thể gây khởi phát triệu chứng.
Mày đay do tiếp xúc đặc trưng bởi sự xuất hiện của tổn thương mày đay sau khi tiếp xúc với yếu tố ngoại sinh như hóa chất (ví dụ tinh dầu quế) hoặc cây cối, động vật (ví dụ sứa biển), latex…
Mày đay do nước đặc trưng bởi sự xuất hiện của sẩn phù ở những vị trí tiếp xúc với nước, không liên quan đến nhiệt độ của nước.
Nguyên nhân của mày đay mạn tính tự phát
Mày đay mạn tính tự phát, thể thường gặp nhất của mày đay mạn tính, đặc trưng bởi sự xuất hiện một cách tự phát của sẩn phù, phù mạch hoặc cả hai do các nguyên nhân đã biết hoặc chưa biết. Nhiều bằng chứng nghiên cứu gần đây cho thấy một trong những nguyên nhân của mày đay mạn tính tự phát là tự miễn (các tự kháng thể hoạt hóa tế bào mast và bạch cầu ái kiềm ở da). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mày đay mạn tính tự phát hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
Yếu tố làm nặng thêm mày đay mạn tính
Các yếu tố không phải là nguyên nhân gây ra, nhưng có thể làm nặng thêm mày đay mạn tính. Xác định và tránh được các yếu tố làm nặng thêm mày đay mạn tính có thể giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Các tác nhân vật lý như cào gãi, chà xát, mặc quần áo chật, đeo thắt lưng chặt, tắm nước nóng, lạnh, môi trường nóng, lạnh, ánh sáng mặt trời có thể làm nặng thêm mày đay mạn tính.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở nhiều bệnh nhân. Paracetamol không làm nặng thêm mày đay mạn tính, vì vậy có thể dùng thuốc này để điều trị đau và hạ sốt thay thế.
Một số thực phẩm như thực phẩm cay, nhiều gia vị, rượu và thực phẩm, phụ gia thực phẩm chứa chất gây dị ứng và nhiều histamine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, mặc dù dị ứng thực phẩm không phải là nguyên nhân gây ra mày đay mạn tính. Tuy nhiên, không khuyến cáo ăn kiêng nghiêm ngặt để kiểm soát mày đay mạn tính vì việc tuân thủ các chế độ ăn kiêng khó khăn, và bằng chứng về lợi ích của ăn kiêng đối với mày đay mạn tính chưa nhiều.
Nhiễm trùng, bệnh viêm mạn tính: Một số nghiên cứu cho thấy mỗi liên quan giữa bệnh nhiễm trùng như nhiễm Helicobacter pylori, viêm gan A, viêm gan C, nhiễm khuẩn vùng mũi họng, ký sinh trùng đường ruột; bệnh viêm mạn tính như viêm dạ dày, viêm thực quản trào ngược, hoặc viêm ống mật, túi mật với mày đay mạn tính. Mặc dù các bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh nhiễm trùng, viêm mạn này với mày đay mạn tính còn ít, nhưng nên được điều trị nếu đã được chẩn đoán xác định.
Căng thẳng, thiếu ngủ: triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện hoặc khó kiểm soát trong giai đoạn người bệnh căng thẳng hoặc có thời gian ngủ ít.
Không tuân thủ điều trị thuốc kháng histamine: Dùng thuốc kháng histamine tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có hiệu quả trong việc kiểm soát mày đay mạn. Việc sử dụng thất thường hoặc chỉ khi cần thiết có thể góp phần làm giảm hiệu quả kiểm soát bệnh của thuốc.
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21