Điều trị nấm kẽ chân sau mưa bão
Sau mưa bão, người dân vùng ngập lụt dễ bị bệnh nấm kẽ chân (nước ăn chân). Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng cần điều trị dứt điểm để không lây lan hoặc biến chứng.
1. Vì sao kẽ ngón chân dễ bị nhiễm nấm sau mùa mưa bão?
Bàn chân là nơi thường xuyên phải tiếp xúc với mặt đất. Các kẽ ngón chân là nơi dễ tích tụ bùn bẩn. Đây cũng là nơi có độ ẩm cao, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập.
Đặc biệt ở các vùng nông thôn, người làm nông; người làm việc ngoài trời đi giày, ủng đổ mồ hôi; trẻ em chơi nghịch ở vùng nước bẩn rất dễ bị viêm nhiễm.
Nấm kẽ ngón chân là bệnh ngoài da, do đó không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh do nấm nếu không điều trị, sẽ trở thành bệnh mạn tính gây khó chịu suốt đời. Nếu để bội nhiễm gây khó khăn hơn cho điều trị.
Mùa mưa bão nhiều người bị bệnh nấm kẽ chân.
2. Điều trị nấm kẽ chân như thế nào?
Nấm kẽ chân thường rất ngứa, nên điều trị bệnh thường sử dụng thuốc chống ngứa, thuốc kháng nấm bôi ngoài da. Nếu có bội nhiễm có thể dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh, sát khuẩn tại chỗ.
- Thuốc kháng histamin điều trị ngứa
Ngứa, thậm chí là ngứa dữ dội là triệu chứng điển hình của nấm kẽ chân. Tình trạng ngứa ngáy khó chịu là do sự phóng thích quá mức của histamin. Thuốc kháng histamin dạng thoa (diphenhydramine, phenergan…) có thể giúp giảm nhanh tình trạng ngứa.
- Thuốc kháng nấm:
+ Các thuốc kháng nấm dạng bôi tại chỗ như: Ketoconazole, clotrimazole, miconazole… hiệu quả trong điều trị nấm.
Lưu ý chung, trước khi dùng thuốc chống ngứa và chống nấm tại chỗ cần vệ sinh sạch sẽ, không tác động mạnh lên tổn thương.
Sau khi vệ sinh sạch, dùng băng gạc sạch nhẹ nhàng thấm khô vùng da tổn thương rồi mới bôi thuốc. Chỉ bôi lượng thuốc vừa đủ, không bôi nhiều và bôi thuốc rộng quá ra xung quanh vì sẽ làm gia tăng tác dụng phụ.
Riêng với thuốc kháng nấm cần phải bôi thuốc liên tục cho đến khi hết hẳn, không ngừng thuốc khi triệu chứng mới giảm, vì sẽ làm nấm bùng phát, bệnh nặng hơn và có nguy cơ kháng thuốc.
+ Thuốc kháng nấm đường uống được chỉ định khi tình trạng nấm kẽ chân nặng. Các thuốc kháng nấm này bao gồm ketoconazole, itraconazole, griseofulvin… bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể loại thuốc nào cho từng bệnh nhân.
Các thuốc trị nấm chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận, do đó khi dùng thuốc này cần thận trọng với người suy gan, suy thận, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú... Ngoài ra thuốc kháng nấm có tương tác bất lợi với một số thuốc điều trị bệnh khác, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc mình đang sử dụng để tránh tương tác bất lợi này.
Thuốc kháng nấm cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn. Hầu hết các tác dụng phụ thường gặp là nóng rát tại chỗ (với thuốc bôi). Nhưng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng: Chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, vàng da, buồn nôn, tiêu chảy… thì cần ngừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ biết.
- Thuốc bôi chứa kháng viêm corticoid:
Một số corticoid (hydrocortisone) có thể loại bỏ cơn ngứa ngáy nhanh chóng và ức chế một số loại nấm hay vi khuẩn, nhưng thuốc chỉ được sử dụng kèm với một loại thuốc bôi khác và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Chỉ lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa một lớp mỏng lên phần da tổn thương.
3. Điều trị nấm kẽ chân khi có bội nhiễm
Trường hợp ngứa kéo dài mãn tính hoặc bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định:
- Dung dịch chlorhexidine và hexamidine. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn nhẹ, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm viêm. Dùng trong trường hợp có mụn nước vỡ ra, lở loét.
- Kẽm oxide 10%… có tác dụng làm dịu vết loét và kháng khuẩn nhẹ.
- Hồ nước có tác dụng làm khô da, giảm sung huyết, tiêu viêm.
- Kháng sinh đường uống có thể được chỉ định nếu tình trạng bội nhiễm nặng, lan rộng, có mủ…
Việc dùng thuốc điều trị viêm kẽ chân thường cho kết quả nhanh sau vài ngày dùng thuốc. Nếu sau 1 tuần trở ra tình trạng bệnh không đỡ hoặc có xu hướng nặng lên, cần ngừng thuốc và đi khám lại tại chuyên khoa da liễu để có biện pháp điều trị thích hợp hơn.
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21