Chứng bệnh khiến người đàn ông liên tục gãi da tới loét nặng
Tình trạng này đã kéo dài rất lâu khiến người bệnh bị viêm loét da mạn tính, tổn thương đã xơ hóa, khó điều trị.
Nam bệnh nhân 35 tuổi (Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng cẳng tay có tổn thương loét rất nặng. Các vùng loét sâu, rộng và đã xơ hóa.
Người đàn ông tâm sự, các vết loét này có từ khá lâu trước đây. Ban đầu, anh thấy da rất khó chịu, cảm giác có con ký sinh trùng nào đó đang bò qua lại bên trong. Liên tục gãi nhưng không đỡ, anh lấy tay bấu, sau đó dùng vật sắc nhọn như kim, dao để chọc vào da.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị Bệnh da nam giới cho biết, trường hợp trên mắc viêm loét da tự tạo. Bệnh này không do nội sinh mà do yếu tố tâm – thần kinh tác động khiến bệnh nhân tự tạo tổn thương trên da.
“Ban đầu, vết trầy xước trên da do bệnh nhân gãi chỉ là tổn thương nhẹ, có thể tự lành. Tuy nhiên, vì người bệnh liên tục gãi, sử dụng vật nhọn rạch vết thương khiến tổn thương quá sâu, thành mạn tính và không thể tự khỏi”, bác sĩ Ghi thông tin.
Hình minh họa: sog.com |
Nam bệnh nhân là một trong rất nhiều trường hợp viêm da tự tạo được các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận thời gian gần đây. Các bệnh nhân đa số đều có tổn thương viêm loét nặng. Một số trường hợp khi đã nhập viện điều trị, bệnh nhân vẫn giấu vật sắc nhọn để lén đâm, rạch vết thương “tìm ký sinh trùng trong da”.
Theo ông Ghi, bác sĩ chủ yếu điều trị tại chỗ cho các trường hợp nói trên giống điều trị chấn thương thông thường. Tuy nhiên, để bệnh không tái phát, bệnh nhân sẽ được kết hợp điều trị tâm thần, nếu triệu chứng nhẹ sẽ cho uống thuốc thuốc an thần, nặng hơn sẽ nhờ chuyên gia tâm thần cùng điều trị.
Các bệnh nhân viêm da tự tạo tương tự với trường hợp mắc chứng nghiện nhổ tóc, khi tổn thương da đều do bệnh nhân tự tạo. Người mắc nghiện nhổ tóc thường cảm thấy khó chịu trên đỉnh đầu nên phản xạ tự nhiên là đưa tay lên giật tóc, dẫn đến các mảng trắng trên da đầu.
Cũng theo chuyên gia này, điều trị cho bệnh nhân bị viêm da tự tạo là thử thách lớn với các bác sĩ. Nhiều trường hợp dù đã tư vấn kĩ, nhưng khi về nhà bệnh nhân vẫn tiếp tục hành động dùng vật nhọn châm lên tay của mình, khiến thời gian điều trị kéo dài.
Bác sĩ khuyến cáo, triệu chứng của bệnh viêm da tự tạo là tự phát và không có cách nào ngăn chặn. Bởi vậy, người bệnh cần cố gắng kiểm soát các hành vi và tới khám, điều trị ngay khi có các triệu chứng.
Nguyễn Liên
Link nguồn:
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21