Những việc cần làm để chấm dứt bệnh sởi theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới
Tổ chức y tế thế giới có hướng dẫn về những việc cần làm để đóng cửa bệnh sởi, trong đó cần xác định những người đã bị bỏ sót tiêm chủng trong quá khứ và tạo điều kiện thuận lợi để tiêm đầy đủ.
Theo Tổ chức y tế thế giới khu vực Châu Âu, hiện nay đã có nhiều trẻ em ở các nước trong khu vực Châu Âu đang được tiêm phòng sởi hơn bao giờ hết nhưng tiến độ không đồng đều giữa các quốc gia và giữa các khu vực trong cùng một quốc gia.
Điều này khiến cho các nhóm người dễ mắc bệnh ngày càng gia tăng và không được bảo vệ, dẫn đến số lượng người bị ảnh hưởng tăng cao trong năm 2018, đây cũng là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng bùng phát bệnh sởi trong thời gian qua.
Bệnh sởi vẫn bùng phát trong năm 2018
Bệnh sởi đã giết chết 72 trẻ em và người lớn ở khu vực châu Âu trong năm 2018. Theo báo cáo quốc gia hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2018, tại Châu Âu đã có 82.596 người ở 47 nước trong số 53 quốc gia mắc sởi, trong đó gần 2/3 (61%) trường hợp mắc sởi đã phải nhập viện.
Năm 2018 là năm mà Châu Âu có số người nhiễm vi-rút sởi cao nhất trong thập kỷ này: gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 15 lần trong năm 2016.
Điều đáng lo ngại là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi năm 2018 lại xảy ra ở thời điểm sau một năm khu vực Châu Âu đã đạt được mức độ bao phủ ước tính cao nhất từ trước đến nay đối với liều vắc-xin sởi thứ hai (đạt 90% vào năm 2017).
Theo lịch trình tiêm chủng của các quốc gia, năm 2017, nhiều trẻ em trong khu vực đã nhận được đầy đủ hai liều vắc-xin sởi kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu về tiêm ngừa liều thứ hai vào năm 2000. Độ bao phủ với liều vắc-xin đầu tiên tăng nhẹ lên 95%, mức cao nhất kể từ năm 2013.
Tuy nhiên, những tiến bộ dựa trên thành tích đạt được về tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở cấp quốc gia có thể che lấp những khoảng trống ở cấp địa phương, thường không được để ý đến cho đến khi dịch bệnh bùng phát xảy ra.
Hình ảnh về bệnh sởi gia tăng trong năm 2018 cho thấy rõ rằng tốc độ tiến bộ hiện nay trong việc tăng tỷ lệ tiêm chủng vẫn không đủ để ngăn chặn lưu hành bệnh sởi.
Mặc dù dữ liệu cho thấy độ bao phủ tiêm chủng đặc biệt cao ở cấp khu vực, nhưng cũng là thời điểm cho thấy số lượng kỷ lục mắc bệnh sởi và tử vong do căn bệnh này.
Điều này có nghĩa là những khoảng trống về tiêm vắc-xin ở cấp địa phương vẫn là “cánh cửa đang mở” cho vi-rút sởi tiếp tục tấn công vào cộng đồng. Điều này giải thích tại sao độ bao phủ tiêm chủng đã được cải thiện về tổng thể trong khu vực, nhưng vẫn còn nhiều người dễ mắc bệnh.
Năm 2017, ước tính độ bao phủ với liều vắc-xin sởi thứ hai nằm dưới ngưỡng 95% để ngăn ngừa lưu thông vi-rút sởi để đạt được miễn dịch cộng đồng tại 34 quốc gia của khu vực Châu Âu. Tỷ lệ bao phủ tại các địa phương trong cùng một nước của các quốc gia cũng khác nhau. Chính độ bao phủ dưới mức tối ưu cho một trong hai liều vắc-xin sẽ tạo ra giai đoạn lây truyền trong tương lai.
Những việc cần làm để chấm dứt bệnh sởi
Nhiều yếu tố góp phần vào độ bao phủ tiêm chủng sởi dưới mức tối ưu dẫn đến sự lây lan của bệnh sởi. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và loại trừ bệnh sởi, các quốc gia cần duy trì độ bao phủ tỷ lệ tiêm chủng quốc gia và của từng địa phương cao với hai liều vắc-xin sởi, bằng những hành động cụ thể như sau:
- Đảm bảo tất cả các nhóm dân cư trên cùng một địa bàn có quyền tiếp cận công bằng và thuận lợi đối với dịch vụ tiêm chủng;
- Xác định những người đã bị bỏ sót tiêm chủng trong quá khứ và tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định;
- Đảm bảo nhân viên y tế được tiêm vắc-xin để ngăn ngừa lây truyền trong các cơ sở y tế và được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến tiêm chủng vắc-xin và miễn dịch cơ thể để cảm thấy tự tin khi tuyên truyền tiêm chủng cho bệnh nhân;
- Truyền thông củng cố niềm tin của người dân vào tiêm vắc-xin và bảo vệ sức khoẻ;
- Cung cấp vắc-xin kịp thời với giá cả phải chăng, đảm bảo an toàn khi tiêm vắc-xin;
- Cải thiện năng lực phát hiện và ứng phó ổ dịch;
- Lắng nghe và trả lời những lo lắng và phản ứng của người dân với bất kỳ sự kiện sức khỏe nào có thể liên quan đến an toàn vắc-xin;
(Sở Y tế TP HCM)
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39