Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, việc kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh, quảng cáo thuốc ở các nền tảng mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn do khó xác định được người vi phạm, hình thức mua bán, giao hàng không ổn định…
Tại họp báo cung cấp thông tin kinh tế, xã hội chiều 27/6, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: "Việc kinh doanh dược, thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hành vi vi phạm pháp luật nhưng quá trình thanh, kiểm tra vẫn còn gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội như facebook, zalo…".
Theo bà Như, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội là một hiện tượng xuất hiện khi các phương tiện thông tin ngày càng phổ biến và phát triển, được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm.
"Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý", Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM nói.
Sở Y tế TPHCM than khó khi xử lý các trường hợp có hành vi bán thuốc qua mạng xã hội.
Bà Như cho rằng, có 4 lý do gây khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc bằng mạng xã hội.
Khó khăn đầu tiên là đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm. Thứ hai là địa chỉ kinh doanh ảo, không có thật, hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định; không phải cơ sở kinh doanh thuốc nào cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Khó khăn thứ 3 là do ngành y tế TPHCM chưa đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Khi sở mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.
Khó khăn thứ 4 là nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật. Điều này gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng, làm cơ quan quản lý không xác định được chủ thể quảng cáo, không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Trước tình trạng này, để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, Sở Y tế TPHCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử. Ngành y tế thành phố sẽ tăng cường công tác truyền thông về quản lý kinh doanh thuốc, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng.
Sở Y tế TPHCM cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13
- Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thanh tra, quản lý giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh
17/06/2024 - 14:39:46