Sởi quay lại, thế giới run sợ
Bệnh sởi những tưởng đã trở thành đề tài của quá khứ khi nhiều quốc gia tuyên bố đã loại trừ được nó. Nay đã có dịch tại Mỹ, châu Âu và châu Á.
Tiêm chủng phòng ngừa sởi và rubella trong trường học ở thủ đô Sanaa, Yemen ngày 9-2 - Ảnh: REUTERS
Theo báo The Straits Times ngày 9-2, các bậc cha mẹ tại Philippines đang được yêu cầu đưa con nhỏ đi chích ngừa sởi do dịch đang bùng nổ ở nước này, khiến ít nhất 20 trẻ em đã thiệt mạng trong 40 ngày qua.
Bà Julia Ree, thuộc tổ chức UNICEF Philippines, cho biết tình hình có vẻ trầm trọng nhanh chóng do tỉ lệ tiêm chủng ngừa sởi chỉ đạt 55% ở đất nước châu Á này.
Theo Bộ Y tế Philippines, số ca mắc sởi tại khu vực thủ đô trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2019 đến 6-2-2019 đã tăng hơn gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Kể từ ngày 2-2, thủ đô Manila ghi nhận ít nhất 861 ca nghi mắc sởi.
Giới chức y tế Philippines ngày 6-2 thông báo dịch sởi bùng phát tại thủ đô Manila sau khi ghi nhận số ca mắc sởi tăng đột biến tại đây.
Không chỉ bùng phát ở đại đô thị Manila, dịch sởi còn hoành hành tại nhiều thành phố khác của Philippines như Quezon, Caloocan, Marikina, Pasig...
Tình hình tại một số nước châu Âu cũng không khá hơn. Ngày 8-2, giới chức y tế Macedonia đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi ở nước này.
Theo Bộ trưởng y tế Venko Filipce, bệnh nhân là một trẻ 6 tháng tuổi, được đưa vào viện để điều trị các biến chứng phổi. Bệnh nhi này là đối tượng chưa tiêm phòng bệnh sởi.
Ngoài ra, hiện còn 2 em nhỏ khác cũng đang được điều trị các biến chứng phổi tương tự, tuy nhiên mức độ bệnh không đe dọa tính mạng.
Cũng trong ngày 8-2, giới chức y tế Pháp cho biết số ca mắc bệnh sởi đã tăng lên ở khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết Val-Thorens, một trong những đỉnh núi cao nhất của dãy Alps, đồng thời là một địa điểm du lịch nổi tiếng của nước Pháp.
Theo giới chức địa phương, tại đây đã ghi nhận thêm 18 trường hợp mắc bệnh sởi mới, trong đó đa số bệnh nhân là thanh niên đang làm việc tại khu nghỉ dưỡng, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 30 trường hợp kể từ ngày 4-2 vừa qua.
Các trường hợp mắc bệnh sởi đã tăng nhanh ở Pháp và ở nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới trong những năm gần đây. Tại khu vực Auvergne-Rhone-Alpes của Pháp, nếu như số trường hợp mắc bệnh sởi trong năm 2016 chỉ là 8 người, thì năm 2017 con số này đã là 45 người và năm 2018 là 84 trường hợp.
Trong báo cáo công bố ngày 7-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết châu Âu đã ghi nhận số ca mắc bệnh sởi kỷ lục trong năm 2018.
Theo WHO, trong năm qua, khoảng 82.600 người tại 47 quốc gia châu Âu được thống kê (dân số gần 900 triệu người) đã mắc bệnh sởi - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, 72 trường hợp đã tử vong.
Tiêm chủng phòng ngừa sởi và rubella trong trường học ở thủ đô Sanaa, Yemen ngày 9-2, trong chiến dịch phòng dịch kéo dài 6 ngày - Ảnh: REUTERS
Ngày 25-1, Mỹ cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Washington sau khi một đợt bùng phát dịch sởi ở đây làm hơn 20 người nhiễm bệnh, trong đó phần lớn là trẻ em.
Tuyên bố của thống đốc bang Jay Inslee nêu rõ sự xuất hiện của hơn 26 trường hợp mắc sởi tại bang Washington tạo ra một hiểm họa y tế công cộng nghiêm trọng có nguy cơ lan rộng sang các bang khác.
Đợt dịch sởi này bùng phát gần thành phố Portland, bang Oregon, vào đầu năm nay và sau đó nhanh chóng lan sang các hạt Clark và King tại bang Washington.
Giới chức y tế bang này cho biết những người nhiễm bệnh trước đó đã đi qua nhiều địa điểm công cộng như trường học, nhà thờ, văn phòng nha sĩ, cửa hàng tạp hóa và cả sân bay Portland.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cảnh báo dịch sởi tại bang Washington có khả năng chỉ đang ở giai đoạn đầu và sẽ còn diễn biến nghiêm trọng trong những ngày tới do thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày. Phần lớn các ca nhiễm sởi là trẻ em, rất nhiều trong số đó chưa từng được tiêm chủng.
Bảng hiệu cảnh báo về bệnh sởi tại Bệnh viện Vancouver, ở bang Washington (Mỹ), ngày 25-1-2019, yêu cầu trẻ từ 12 tuổi trở xuống và những ai chưa được tiêm chủng không được vào nơi này - Ảnh: AP
Mỹ từng thông báo xóa sổ hoàn toàn bệnh sởi tại nước này vào năm 2000 nhưng sau đó virút này đã xuất hiện rải rác trở lại, chủ yếu do sự nổi lên của phong trào phản đối sử dụng văcxin tại Mỹ.
Theo giáo sư Paul Duprex thuộc ĐH Pittsburgh (Mỹ), cũng nên lưu ý rằng trong những năm 1960, hằng năm có 3-4 triệu người bị sởi ở Mỹ.
WHO hồi tháng 11-2018 cảnh báo số ca nhiễm sởi toàn cầu đã tăng hơn 30% trong năm 2017 so với năm trước đó, một phần do trẻ em nhiều nơi không được tiêm chủng phòng ngừa đầy đủ.
Vào giữa tháng 1 vừa qua, WHO cũng đã công bố danh sách 10 mối nguy cho sức khỏe nhân loại trong năm 2019, trong đó có nguy cơ xem nhẹ việc tiêm chủng phòng bệnh.
Các chuyên gia cho rằng để phòng ngừa dịch bệnh, cần đảm bảo việc tiêm phòng được thực hiện đối với 95% cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong số 47 nước được thống kê, vẫn còn tới 34 quốc gia có mức bao phủ văcxin sởi dưới 95% và đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang cân nhắc khả năng ban hành luật để việc tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị, rubella đối với trẻ em là một việc làm bắt buộc, thay vì hiện nay các bậc phụ huynh có quyền lựa chọn tiêm phòng cho con.
Sởi là bệnh nhiễm virút cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng các nốt phát ban xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh.
Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Những người nhiễm virút sởi có thể lây bệnh cho người khác trong 4 ngày cả trước và sau khi những nốt sởi đầu tiên xuất hiện.
Cho đến năm 1985, vẫn còn hơn 1 triệu trẻ em khắp thế giới qua đời vì bệnh sởi và các biến chứng của nó. Đến năm 1996, con số đó cũng còn hơn nửa triệu mỗi năm.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03