Hệ lụy nguy hiểm từ trào lưu "quay lưng" với vắc xin
Dịch sởi đang có những diễn biến rất phức tạp tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Một trong những nguyên nhân được các nhà chuyên môn xác định là hệ lụy từ xu hướng “quay lưng” với tiêm vắc xin (anti vaccine) của các bậc cha mẹ.
Thống kê cho thấy, trong số những ca mắc sởi có tới hơn 90% chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều.
Chia sẻ sâu hơn về lợi ích của tiêm chủng đối với sức khỏe của trẻ, cũng như những hậu quả có thể xảy ra khi trẻ không được bảo vệ bởi vắc xin, PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh (Khoa Nhi - Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế) cho biết, tại Việt Nam có 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến có vắc xin dự phòng được triển khai miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Các bà mẹ nên cho con mình đi tiêm chủng để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng và gây tử vong cho trẻ.
Ngoài các vắc xin trong chương trình TCMR, các bậc cha mẹ có thể cho con đi tiêm chủng phòng các bệnh viêm não mô cầu, viêm màng não mủ do phế cầu, tiêu chảy do vi rút Rota, thủy đậu, quai bị, viêm gan A, cúm… tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải trả tiền.
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần mang theo sổ/phiếu tiêm chủng để cán bộ y tế có chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Cũng theo PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh, vắc xin giúp cơ thể sản sinh kháng thể và miễn nhiễm với một số bệnh nguy hiểm.
Với bệnh sởi, đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp. Ở trẻ em, bệnh gây suy giảm miễn dịch, dễ biến chứng viêm phổi tế bào khổng lồ, loét giác mạc, tiêu chảy, suy dinh dưỡng dẫn đến tử vong.
Những đại dịch sởi khủng khiếp trong lịch sử thế giới đã từng diễn ra cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và gần đây có xu hướng bùng phát trở lại mà nguyên nhân chính là các bậc phụ huynh e ngại và không đưa con em đi tiêm phòng.
"Tâm lý e ngại và "anti vaccine" phòng các bệnh truyền nhiễm có thể xuất phát từ thông tin vắc xin có khả năng gây bệnh tự kỷ, động kinh cho trẻ, rộ lên từ năm 1998.
Tuy nhiên, các nghiên cứu uy tín sau đó đã phủ nhận thông tin này đồng thời khẳng định tác dụng cũng như khả năng bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh của vắc xin, công báo không có bằng chứng chứng minh vắc xin gây tự kỷ, động kinh cho trẻ.
"Nếu một gia đình anti-vắc xin sẽ rất thiệt thòi cho đứa trẻ. Nếu theo trào lưu quay lưng với vắc xin là có tội với cả một thế hệ, có tội với sức khỏe của dân tộc. Hệ lụy của nó rất khó kiểm soát, không chỉ trẻ em, bà bầu nhiễm bệnh do sức đề kháng kém, đàn ông, thanh niên cũng nhập viện vì bệnh sởi, vì không tiên vắc xin không phải hiếm", PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh nhấn mạnh.
Chính vì những lý do trên, để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho con mình, các bà mẹ cần phải cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
"Vắc xin là an toàn, có rất ít các trường hợp phải chống chỉ định và chỉ chống chỉ định với tiêm chủng trong những trường hợp: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin cùng loại lần trước; Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....). Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin. Để đảm bảo an toàn, trước khi tiêm chủng, trẻ phải được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng khi đủ điều kiện. Các bà mẹ cũng cần phối hợp với cán bộ y tế, cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng của những lần tiêm chủng trước." - PGS. TS. BS Tôn Nữ Vân Anh khuyến cáo. |
Kim Thoa
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21