Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
Người chỉ còn một quả thận, nhưng chức năng quả thận này bình thường thì có thể sống khỏe mạnh hoặc ít gặp vấn đề sức khỏe trong nhiều năm.
Thận đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng với cơ thể như lọc máu đào thải độc tố và nước dư thừa, cân bằng điện giải, điều hòa huyết áp, duy trì độ pH máu, sản xuất một số loại hormone (nội tiết tố) quan trọng, tiết hoạt chất tham gia vào quá trình tổng hợp canxi vào xương. Cơ thể người thường có hai quả thận nhưng một số người không có đủ do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, phẫu thuật cắt bỏ, hiến thận.
BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thận là cơ quan có khả năng thích ứng linh hoạt. Vì lý do nào đó, một quả thận mất đi, quả thận còn lại vẫn bình thường, không bị bế tắc mạch máu, sẽ tự động điều chỉnh gia tăng hiệu suất để bù đắp chức năng cho phần đã mất.
Các đơn vị trong quả thận còn lại gia tăng kích thước để có thể gia tăng công suất lọc máu. Hiện tượng này gọi là phì đại, không có tác dụng phụ nào, theo bác sĩ Nhật. Do đó, hầu hết người chỉ có một quả thận khỏe mạnh vẫn có cuộc sống bình thường, có thể sinh hoạt, làm việc, lập gia đình và có con như người đủ hai quả thận.
Tuy nhiên, do quả thận còn lại làm việc nhiều hơn nên về lâu dài, chức năng thận có thể suy giảm. Người chỉ còn một quả thận cần khám sức khỏe, theo dõi chức năng thận định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến thận như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, nhiễm trùng đường tiểu, viêm cầu thận, sỏi tiết niệu tắc nghẽn, ung thư thận... Phát hiện sớm các dấu hiệu suy giảm chức năng thận giúp bác sĩ có liệu trình điều trị bảo tồn chức năng phù hợp.
Bác sĩ Hữu Nhật kiểm tra máy chạy thận tạo. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chế độ dinh dưỡng cũng cần lưu ý để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể mà không bắt thận phải làm việc quá tải. Điều chỉnh lượng đạm cung cấp mỗi ngày phù hợp (không quá 0,8-1 g/kg cân nặng mỗi ngày); giảm muối (không quá 2-4 g mỗi ngày); uống đủ 1,5-2 lít bao gồm nước uống và nước từ thực phẩm; không hút thuốc lá, uống rượu bia; không tự ý mua thuốc uống khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Vận động vừa sức nhằm tăng sự dẻo dai cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện lưu thông máu và trao đổi chất, kiểm soát cân nặng phù hợp nhằm giảm tải áp lực cho thận. Một số môn thể thao vừa sức với người chỉ còn một quả thận như đi bộ, bơi lội, yoga...; tránh các môn có cường độ vận động mạnh, tính đối kháng cao như chạy bộ, bóng đá, cử tạ...
Bác sĩ Hữu Nhật khuyến cáo người chỉ còn một quả thận xuất hiện các biểu hiện bất thường như nước tiểu có bọt lâu tan, phù mí mắt hay phù chân, tăng huyết áp, tiểu ra máu, dễ mệt mỏi... cần đến bệnh viện kiểm tra, xác định nguyên nhân. Kịp thời điều trị bệnh giúp ngăn nguy cơ suy thận hoặc có biện pháp bảo tồn chức năng thận phù hợp.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47
- Những thói quen hàng ngày có thể làm tổn thương thận
20/06/2023 - 14:35:45