Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
Gan nhiễm mỡ không do rượu là một căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 25% dân số thế giới. Bệnh lý tiến triển âm thầm, triệu chứng bệnh rất mờ nhạt hoặc không có ở giai đoạn đầu và được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng men gan.
Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ chất béo trong tế bào gan diễn ra ở những người không sử dụng rượu bia hoặc sử dụng ít. Bệnh gan nhiễm mỡ được xác định khi lượng chất béo chiếm hơn 5 – 10% trọng lượng của gan.
Gan nhiễm mỡ không do rượu giai đoạn đầu thường không gây ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, khoảng 15 – 20% trường hợp mắc bệnh có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Ngoài ra, việc có quá nhiều chất béo trong gan cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao, bệnh thận…
Triệu chứng gan nhiễm mỡ không do rượu
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nói chung hầu như sẽ không có triệu chứng gì. Chỉ có một vài người cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác tức nặng, đau ở vùng hạ sườn phải. Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc khi siêu âm.
Trên 95% bệnh nhân béo phì nặng trải qua phẫu thuật giảm cân có gan nhiễm mỡ không do rượu.
Các dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý là:
- Người bện cảm thấy chán ăn, ăn không ngon,
- Người mệt mỏi kéo dài và buồn nôn,
- Xuất hiện tình trạng đầy bụng.
Đau bụng trong gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu thường là do sự căng trướng của gan vì gan lớn hoặc do gan bị viêm. Tuy nhiên, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, khi gan nhiễm mỡ kéo dài, triệu chứng thường thấy là gan to kín đáo, men gan và phosphatase kiềm tăng vừa phải; trong thời điểm này thường không bộc lộ triệu chứng ra ngoài.
Biến chứng của viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bao gồm xơ gan (được xem như giai đoạn cuối cùng của gan nhiễm mỡ không do rượu và ung thư gan nguyên phát (HCC). Khoảng 15 - 25% bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ diễn tiến đến xơ gan, khoảng 7% trong nhóm bệnh nhân xơ gan sẽ tiến triển tới ung thư gan.
Hình ảnh gan khỏe mạnh và gan nhiễm mỡ.
Người dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Đối tượng dễ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu thường bao gồm:
Béo phì: Trên 95% bệnh nhân béo phì nặng trải qua phẫu thuật giảm cân có gan nhiễm mỡ không do rượu
Đái tháo đường type 2: Khoảng 1/3 – 2/3 bệnh nhân đái tháo đường type 2 có gan nhiễm mỡ không do rượu. Có mối tương quan 2 chiều giữa những bệnh nhân đái tháo đường và gan nhiễm mỡ không do rượu.
Rối loạn lipid máu: Nồng độ triglyceride cao và HDL thấp thường gặp ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu, tần suất của gan nhiễm mỡ không do rượu ở bệnh nhân rối loạn lipid có triệu chứng lâm sàng khoảng 50%.
Vấn đề nội tiết: suy giáp, suy tuyến yên, suy sinh dục.
Ngoài ra, nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ tăng lên nếu bệnh nhân: Lớn tuổi, người có hội chứng rối loạn chuyển hoá, buồng trứng đa nang, người có lượng mỡ cơ thể tập trung ở vùng bụng...
Cần làm gì khi bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
Tùy từng cá nhân, từng giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ chỉ định phù hợp. Việc điều trị thuốc đối với bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, đặc biệt đối với bệnh nhân xơ hóa gan đáng kể (> F2). Đối với những bệnh nhân không có các tình trạng trên, nhưng có nguy cơ cao của bệnh tiến triển (đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, tăng men gan dai dẳng, viêm hoại tử cao) có thể điều trị thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Đối với gan nhiễm mỡ đơn thuần, không có viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, không có xơ hóa gan thì cần có chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể lực, chưa cần điều trị thuốc.
Đối với bệnh nhân nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, dư cân, béo phì, giảm 7-10 % cân nặng là mục tiêu điều trị, làm giảm men gan và cải thiện mô học gan.
Các khuyến cáo về chế độ ăn ở người bệnh là hạn chế năng lượng và loại bỏ các thành phần thức ăn thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fructose cao). Tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi).
Ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá). Một số thức ăn được xem là "thuốc" có tác dụng "giảm mỡ" tốt như: dầu đậu nành, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối (bông chuối)...; trái cây nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín... trà xanh, hoa hòe... Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật, các loại đồ lòng, phủ tạng, da...động vật, lòng đỏ trứng, não gan gia súc...
Ngoài ra, người bệnh cần chọn môn thể dục nào tùy thuộc sở thích của bệnh nhân và có thể duy trì lâu dài được. Khám định kỳ chuyên khoa gan để được theo dõi, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp kịp thời.
Hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng men gan. Tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở châu Âu chiếm khoảng 35%, ở châu Á khoảng 25%. Khoảng 15 - 30% dân số mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, có đến 12 - 40% trong nhóm bệnh nhân này sẽ diễn tiến tới viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tin nổi bật
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58
- Gia đình khó khăn, bố hiến gan cứu con trai 13 tuổi
21/12/2020 - 09:41:34