Ba cách giữ thận khỏe mạnh
Lạm dụng thuốc kháng sinh, chống viêm... đều có khả năng làm tổn thương thận, vì vậy, mọi người cần sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Không lạm dụng thuốc
Thuốc chống viêm: NSAID là thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen và naproxen. Chúng có thể làm hỏng thận nếu dùng quá nhiều một lúc hoặc dùng thường xuyên. Sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để điều trị loét hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Do đó, mọi người chỉ nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Kháng sinh: Kháng sinh cũng là loại thuốc rất cần được chú ý và chỉ nên sử dụng khi được bác sĩ kê đơn. Ngoài việc kháng kháng sinh khi dùng không đúng cách, những loại thuốc chống vi khuẩn này có thể làm hỏng thận nếu người bệnh lạm dụng. Điều này thậm chí xảy ra ngay cả khi một người hoàn toàn khỏe mạnh.
Thực phẩm chức năng: Các sản phẩm thảo dược bổ sung có nguy cơ gây hại cho thận. Đặc biệt, nếu bạn bị bệnh thận, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc. Bạn nên nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa trước khi bổ sung bất kỳ loại thuốc bổ nào.
Mọi người cần thận trọng và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh gây hại cho thận cũng như cơ thể. Ảnh: Freepik
Ăn uống lành mạnh
Quản lý lượng muối nạp vào cơ thể: Muối ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Đối với một số người, quá nhiều natri dường như làm tăng lượng protein trong nước tiểu, gây hại cho thận hoặc làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nạp nhiều muối vào cơ thể cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, một nguyên nhân điển hình của bệnh thận và sỏi thận.
Uống đủ nước: Nước giúp đưa các chất dinh dưỡng quan trọng đến thận và chuyển chất thải đến bàng quang dưới dạng nước tiểu. Nếu một người không uống đủ nước, các bộ lọc nhỏ bên trong thận có thể bị ngừng hoạt động, dẫn đến sỏi thận và nhiễm trùng. Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có khả năng làm hỏng thận nếu xảy ra thường xuyên. Uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày là phù hợp nhưng một người cũng có thể cần nhiều hơn nếu bị ốm hoặc ra ngoài trời nóng.
Hạn chế rượu: Với một người khỏe mạnh, một hoặc hai ly rượu mỗi ngày không có khả năng làm tổn thương thận. Nhưng uống say (hơn 4 ly trong vòng chưa đầy hai giờ) gây ra tác hại nghiêm trọng hay dẫn đến các vấn đề lâu dài. Rượu thường khiến cơ thể mất nước khiến thận không hoạt động tốt, tăng cân, bệnh gan, huyết áp cao và các tình trạng khác gây tổn thương cho thận.
Bỏ hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư thận và làm hỏng các mạch máu, làm chậm lưu lượng máu đến thận. Ngoài ra, hút thuốc còn ảnh hưởng đến một số loại thuốc điều trị huyết áp cao. Điều này rất nghiêm trọng vì huyết áp cao không được kiểm soát là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận.
Thận xử lý mọi thứ con người ăn hoặc uống, kể cả những thứ có hại như: chất béo, muối và đường. Theo thời gian, một chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ dẫn đến huyết áp cao, béo phì, tiểu đường và các tình trạng khác gây tổn thương thận. Do đó, một chế độ ăn uống có nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, ít thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp bảo vệ thận, mang lại sự khỏe mạnh cho cơ thể.
Một chế độ ăn uống nhiều rau củ, trái cây mang lại lợi ích sức khỏe cho thận và cơ thể. Ảnh: Freepik
Tập thể dục đều đặn
Giống như chế độ ăn uống lành mạnh, vận động giúp ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường và bệnh tim, những vấn đề hàng đầu dẫn đến tổn thương thận. Tuy nhiên, tập quá sức cũng có thể làm hỏng thận và gây hại cho các chức năng khác của cơ thể. Do đó, một người chỉ nên tập từ 30 đến 60 phút mỗi ngày, duy trì 5 ngày một tuần, bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu trước đó từng gặp vấn đề về sức khỏe.
Theo dõi sức khỏe thường xuyên
Điều quan trọng là một người phải biết nguy cơ mắc bệnh thận của bản thân. Những người có người nhà bị bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường hoặc tiền sử gia đình bị suy thận, đều có khả năng mắc các bệnh liên quan tới thận. Trường hợp này nên kiểm tra sức khỏe của thận định kỳ bằng các xét nghiệm. Khi phát hiện bệnh ra sớm, việc điều trị khá đơn giản và thậm chí, tỷ lệ chữa khỏi bệnh cũng cao.
Bên cạnh đó, hai tình trạng phổ biến nhất ảnh hưởng đến thận là bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Với bệnh tiểu đường, cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và dùng insulin khi cần. Đối với huyết áp cao, cần kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên và uống các loại thuốc do bác sĩ kê đơn để kiểm soát tình trạng bệnh.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47