Người suy thận uống bao nhiêu nước là đủ?
Với người bị suy thận, lượng nước nạp vào hoàn toàn khác với người bình thường, tùy mức độ bệnh mà bổ sung lượng nước phù hợp.
Bác sĩ chuyên khoa II, Hồ Tấn Thông (Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết nước là thành phần quan trọng, chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể và mọi bộ phận đều cần nước để có thể hoạt động bình thường. Nước giúp thận loại bỏ chất thải từ máu thông qua nước tiểu, giúp vận chuyển dưỡng chất thiết yếu đến các bộ phận cơ thể...
Uống quá ít nước sẽ khiến các chức năng của cơ thể bị suy giảm, không thể hoạt động bình thường, cơ thể mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra các bệnh lý thận tiết niệu như suy thận cấp, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu. Còn nếu uống nước quá nhiều sẽ làm chức năng của thận bị ảnh hưởng, do nước nhiều sẽ làm loãng chất điện giải, thận làm việc quá tải, hoạt động của não cũng bị ảnh hưởng.
Người bị suy thận nên uống lượng nước vừa đủ để không gây áp lực lên cho thận. Ảnh: Freepik
Do vậy, cần đảm bảo lượng nước vừa đủ cho cơ thể, cân bằng lượng nước nạp vào và lượng nước thải ra. Nước thu vào được tính từ đồ uống (nước lọc, nước ép, nước canh) và thực phẩm, khoảng 300 ml mỗi ngày. Nước có nhiều trong rau và trái cây, vì hầu hết các loại trái cây (dưa hấu, cam quýt, dâu tây, một số loại rau) chứa 80-90% nước. Nước thải ra gồm nước tiểu, mồ hôi, hơi thở và phân. Do đó, cần căn cứ vào thực đơn ăn uống để bổ sung nước phù hợp.
Nguyên tắc chung của việc bổ sung nước cho cơ thể là 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Điều này cũng cần tùy thuộc vào trọng lượng, giới tính, tính chất công việc, hoạt động thể chất, thời tiết, tình trạng bệnh lý... Công thức tính lượng nước chung là (ml) = cân nặng (kg) x 30. Ví dụ, trọng lượng cơ thể bạn là 50 kg thì lượng nước cần nạp mỗi ngày ít nhất là 1.500 ml.
Tuy nhiên, với người bị thận yếu, lượng nước nạp vào cơ thể sẽ ít hơn người bình thường. Tùy vào mức độ bệnh mà có lượng nước bổ sung phù hợp. Theo Tổ chức Thận Quốc gia, người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn I và II nên uống 8 ly nước mỗi ngày, giai đoạn III, IV, V nên hạn chế tiêu thụ nước. Lượng nước uống hàng ngày của người suy thận nên sử dụng bằng lượng nước tiểu thải ra hàng ngày cộng thêm 500 ml và lượng dịch mất bất thường.
Bên cạnh đó, cần bổ sung nước đúng cách để giúp cho thận làm việc hiệu quả, giảm thiểu áp lực lên cho bộ phận này như uống nước từng ngụm nhỏ, mỗi lần uống khoảng 50 ml, để nước thấm vào từng tế bào cơ thể, giảm tải cho thận phải đào thải cùng lúc. Nên uống nước ấm sẽ hỗ trợ nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa, giúp tuần máu trong cơ thể dễ dàng hơn. Không nên chờ khát mới uống, nên canh thời gian, uống với lượng nước nhỏ thay vì phải chờ khát mới uống một lúc nhiều.
Bác sĩ Hồ Tấn Thông đang thăm khám cho người bệnh tại phòng khám Tiết niệu Thận học. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Để biết cơ thể của mình có đủ nước hay không có thể quan sát màu sắc của nước tiểu. Tùy vào tình trạng nước trong cơ thể mà nước tiểu có màu sắc khác nhau từ màu trắng đến vàng đậm. Nếu nước tiểu có màu vàng sẫm cho thấy cơ thể thiếu nước cần bổ sung, màu trong cho thấy cơ thể đủ nước.
Người bị bệnh thận nên dùng nước lọc, nước ép trái cây như nước ép dâu tây, nước ép dưa hấu, nước ép táo (1-2 ly mỗi ngày)... nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, người bệnh có thể uống các loại nước lợi tiểu như nước râu ngô, nước nhân trần, kim tiền thảo, nước đỗ đen. Đặc biệt, nên tránh xa rượu bia, nước có ga, trà, cà phê... vì những thức uống sẽ khiến chức năng thận suy giảm, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ Tấn Thông lưu ý.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47