Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
Tiểu máu ở nam giới có nhiều nguyên nhân như phì đại tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiết niệu, song cũng có thể do ung thư bàng quang, thận hoặc tuyến tiền liệt.
Tiểu máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc phát hiện bằng xét nghiệm nước tiểu. Mặc dù nguyên nhân thường lành tính nhưng trong một số trường hợp có thể cảnh báo ung thư.
Ung thư bàng quang, thận hoặc tuyến tiền liệt có thể gây tiểu máu ở nam giới. Tình trạng này xảy ra khi khối u phát triển trên cơ quan bị ảnh hưởng, làm suy yếu các mạch máu gần đó, theo thời gian các mạch máu này vỡ ra và chảy máu.
Ung thư bàng quang là dạng ung thư có khả năng gây tiểu máu cao. Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Tiểu máu thường thấy ở người bị ung thư tuyến tiền liệt trong giai đoạn 4, cần điều trị y tế để kiểm soát.
Ngoài tiểu máu, các triệu chứng phổ biến khác của ung thư đường tiết niệu sinh dục gồm đi tiểu thường xuyên, tiểu đau, cần đi tiểu dù bàng quang trống rỗng, tiểu đêm, không có khả năng đi tiểu. Đau một bên lưng dưới, đau bụng, đau xương, giảm cân ngoài ý muốn, chán ăn, sưng bàn chân, mệt mỏi trầm trọng, máu trong tinh dịch, đau khi xuất tinh cũng cảnh báo ung thư đường tiết niệu sinh dục.
Đôi khi ung thư tuyến tiền liệt không có bất kỳ triệu chứng nào. Vì lý do này nam giới trong độ tuổi từ 55-69 nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt định kỳ để loại trừ ung thư.
Một số thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc làm loãng máu, thuốc chống co giật có thể dẫn đến tiểu máu. Viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn cũng thường gây tiểu máu, máu trong tinh dịch, đau tinh hoàn, đau và rát khi đi tiểu, sốt. Các tình trạng rối loạn như viêm cầu thận, viêm thận lupus, hồng cầu hình liềm cũng có thể là nguyên nhân.
Các xét nghiệm dựa trên nước tiểu và máu được sử dụng để chẩn đoán tiểu máu gồm que thử, cấy và phân tích nước tiểu, công thức máu toàn bộ và xét nghiệm chức năng thận... Tùy thuộc vào nguyên nhân ung thư, các xét nghiệm khác được thực hiện như chụp bể thận qua tĩnh mạch, nội soi bàng quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT).
Điều trị tiểu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các phương pháp thường là phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch nếu do ung thư.
Dùng thuốc kháng sinh nếu do viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang, viêm bể thận. Thuốc lợi tiểu và phẫu thuật được áp dụng khi sỏi thận, sỏi bàng quang, chấn thương khiến máu trong nước tiểu.
Người mắc bệnh tự miễn dịch như lupus bị tiểu máu có thể dùng thuốc miễn dịch để kiểm soát tình trạng. Bệnh nhân hồng cầu hình liềm thường dùng thuốc hoặc ghép tủy xương để điều trị.
Nam giới bị tiểu máu cần đi khám. Người có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, sưng hạch; đau hoặc rát và đi tiểu thường xuyên; đau ở hai bên bụng, lưng dưới, vùng xương chậu cũng nên đi khám sớm nhằm sàng lọc ung thư hoặc để chẩn đoán bệnh đường tiết niệu sinh dục khác.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47
- Những thói quen hàng ngày có thể làm tổn thương thận
20/06/2023 - 14:35:45