Dịch sởi đang “nóng”, sốt siêu vi đe dọa cộng đồng
So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc sởi đang ở mức báo động, trẻ bệnh nặng liên tục phải nhập viện. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gia tăng bệnh sốt siêu vi, cộng đồng cần tăng cường biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Mới đầu năm đã có gần 1.000 ca mắc sởi
Số liệu thống kê các dịch bệnh truyền nhiễm của ngành y tế thành phố cho thấy, từ đầu năm đến nay, các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng giảm so với tháng cuối của năm 2018.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, một số loại bệnh lại ở mức rất cao, trong đó sốt xuất huyết là 6.733 ca (tăng 249% so với năm 2018 là 1.931 ca), dịch sởi đã ghi nhận gần 1.000 ca trong khi cùng kỳ năm trước không có ca bệnh sởi.
BS Hữu Khanh theo dõi sức khỏe bệnh nhi tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Nhi đồng 1
Hiện, dịch sởi đang xuất hiện ở tất cả 24 quận huyện trên toàn thành phố, nguy cơ tiếp tục lây lan trên diện rộng.
Ngày 18/2, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Số ca bệnh sởi còn ở mức cao, tại khoa đang điều trị cho 15 ca bệnh nặng, nhiều bé bị suy hô hấp, viêm phổi.
Cùng với TPHCM, sởi đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Nếu không chủ động chích ngừa và thực hiện các biện pháp dự phòng, điều trị kịp thời thì sởi sẽ tiếp tục tấn công cộng đồng. Với tình hình dịch tễ như hiện nay, dự báo có thể phải hết tháng 6/2019 dịch sởi mới bớt căng thẳng”.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trẻ nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể suy giảm tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội khác và nguy cơ biến chứng viêm não, viêm tại giữa, viêm phổi.
Các bệnh truyền nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên đã có vắc xin chủng ngừa. Dịch sởi bùng phát mang tính chu kỳ 4 đến 5 năm 1 lần là do tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt độ bao phủ để phòng bệnh.
Để tránh nguy cơ mắc sởi, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động chích ngừa, phụ huynh phải đưa trẻ đi tiêm sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi.
Những trẻ chưa được chích ngừa hoặc chích chưa đầy đủ cần đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn, chích bổ sung.
Cảnh giác với sốt siêu vi
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các tỉnh miền Nam đang trong giai đoạn nắng nóng với nhiệt độ lúc cao nhất trong ngày 35 đến 360C. Nền nhiệt độ cao, bức xạ tia cực tím ở mức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng có thể còn kéo dài trong thời gian tới khi thời tiết đi sâu vào mùa khô.
Thời tiết cực đoan ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả trẻ em và người lớn tuổi
Thời tiết nắng nóng sẽ gia tăng nhiều loại bệnh như hô hấp, tiêu hóa ở nhóm trẻ em và người lớn tuổi. Bên cạnh đó, loại bệnh khá phổ biến sẽ gia tăng nhanh trong cộng đồng giai đoạn chuyển mùa được BS Trương Hữu Khanh cảnh báo là sốt siêu vi. Đây là bệnh do vi rút gây ra, chúng rất dễ tấn công nhóm đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc đã bị suy giảm nhưng trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, mặt khác ở giai đoạn chuyển mùa, cơ thể thường phải chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ nhiễm siêu vi càng cao.
Nhiễm siêu vi là bệnh cấp tính, lây lan nhanh. Siêu vi có thể tấn công vào cơ thể qua đường hô hấp (trẻ sẽ có biểu hiện ho, sổ mũi...); tiêu hóa (có biểu hiện tiêu chảy, nôn ói); qua da do muỗi chích (sốt cao, ít kèm theo ho). Biểu hiện thường gặp nhất là sốt cao đột ngột (39oC đến 40oC), biếng ăn, đau cơ, mệt mỏi...
Cần theo dõi, phát hiện dấu hiệu bệnh diễn tiến nặng để trẻ đến bệnh viện, tránh nguy hiểm
Phần lớn bệnh nhân sốt siêu vi sẽ tự khỏi, có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu. Tuy nhiên, cộng đồng không nên chủ quan mà cần phải theo dõi những biến chứng và dấu hiệu của bội nhiễm vi trùng như co giật, lừ đừ thay đổi tri giác, thở co lõm, tím tái, sốt quá cao nhưng không thể hạ sốt, nôn ói nhiều, trong phân có máu, mắt trũng, xuất hiện những chấm xuất huyết ở da. Khi thấy người bệnh có một trong những biểu hiện này cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch… là những giải pháp đơn giản được bác sĩ khuyến cáo để tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng các loại bệnh truyền nhiễm nói chung. Ngoài ra, trong thời điểm nắng nóng cần hạn chế ra đường nếu không cần thiết. Trường hợp bắt buộc phải đi lại, người dân cần chú ý mang nón, khẩu trang, mặc quần áo dài tay để che tránh nắng.
Vân Sơn
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03