Tưởng thuốc tâm thần là kẹo, 3 chị em ngã lăn ra bất tỉnh
Tưởng thuốc tâm thần là kẹo, 3 chị em lấy ra ăn. Hậu quả, cả 3 lăn ra nhà bất tỉnh, hôn mê sâu.
Khoa Cấp cứu- Chống độc, BV Nhi TƯ vừa tiếp nhận 3 cháu bé ở Mỹ Đức, Hà Nội bị ngộ độc thuốc điều trị tâm thần. Trong đó bé N.T.M (5 tuổi) và N.T.H. ( 3 tuổi) là 2 chị em ruột, bé N.T.T (3 tuổi) là em họ, cả 3 nhập viện trong trạng li bì, hôn mê sâu.
Mẹ bé H. cho biết, trưa 5/1, trong lúc 3 cháu đang chơi cùng nhau, có lấy lọ thuốc của bố để trong hộp xốp ra chơi, sau đó tưởng kẹo nên cả 3 cùng nhau ăn. Bố của bé H. đang điều trị bệnh lý rối loạn thần kinh trung ương.
Đến chiều khi bố mẹ đi làm về, phát hiện cả 3 trẻ nằm li bì, bất tỉnh, gọi hỏi đều không phản ứng, được gia đình đưa đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển xuống ngay BV Nhi TƯ chiều tối cùng ngày.
Bé H. vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện
Sau 2 ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng 3 bé đã dần cải thiện, trong đó bé M. và T. đã tỉnh hoàn toàn, đi lại được và được xuất viện. Riêng bé H. vẫn còn hạn chế trong vận động, còn lơ mơ nên đang tiếp tục ở BV để theo dõi thêm.
BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc cho biết, ngay khi nhập viện, 3 bệnh nhi được xử trí theo hướng ngộ độc thuốc, cấp cứu rửa dạ dày, uống than hoạt và sử dụng thuốc để đào thải loại chất gây ngộ độc qua đường nước tiểu.
BS Vinh cho biết, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, trẻ nhỏ khi uống nhầm thuốc người lớn, nhất là các thuốc thần kinh có thể ảnh hưởng thần kinh rất nặng nề.
Theo các bác sĩ, do cơ thể trẻ em còn nhỏ, hệ thần kinh và các bộ phận khác của các cháu còn đang phát triển, chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc uống nhầm thuốc của người lớn, nhất là thuốc thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh rất nghiêm trọng như hôn mê sâu, thay đổi ý thức, nếu không được phát hiện sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó những loại thuốc này cần được bảo quản, giám sát chặt, cất ở tủ có khoá, tránh xa tầm tay trẻ em.
Trường hợp trẻ uống nhầm thuốc, các bác sĩ khuyến cáo, không đặt trẻ ở tư thế nằm, thay vào đó cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào ngược lên.
Nếu trẻ còn tỉnh, cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn, chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
T.Hạnh
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47