Giải quyết di chứng càng chậm, nguy cơ bị tật vì bỏng càng cao
Nhiều bố mẹ thấy con lành vết bỏng đã yên tâm đưa về nhà mà không biết rằng những sẹo bỏng, nhất là sẹo ở cổ - cằm, vùng vận động cần phẫu thuật sớm, hoặc tập vật lý trị liệu đúng cách để tránh di chứng bỏng.
Bác sĩ khám chữa cho một bệnh nhân bỏng. Ảnh: TL
Biến dạng hàm mặt, vùng vận động… vì sẹo bỏng
Bé Đ. V. H (ở Hà Nam) năm nay đã 4 tuổi, bé bị bỏng nước sôi hơn hai năm trước và đã lành vết thương. Nhưng chỗ ghép da vùng vận động ở hông cứ trở trời là bị đau, ngứa. Những khối sẹo lồi lõm thành cục đen sì làm bé khó vận động, nhất là khi đi ngoài bà vẫn phải bế vì bé không thể ngồi được bình thường. Nhà quá nghèo nên gia đình không lo được cho bé trở lại bệnh viện phẫu thuật tạo hình để có thể vận động bình thường.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) từng phẫu thuật tạo hình cho thiếu nữ 17 tuổi ở Thanh Hóa, bị biến dạng khuôn mặt, cổ và xương hàm dưới do khi 3 tuổi đã bị bỏng do cháy khăn quàng cổ. Cái sẹo bỏng khiến lớn lên cô không thể vận động cổ bình thường, còn bị co kéo, biến dạng ở xương hàm dưới và khuôn mặt. Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn phải dùng kỹ thuật tạo vạt da cân thượng đòn mới giải phóng được cái cổ bình thường cho cô.
Mới đây, cũng tại Bệnh viện Xanh Pôn, ê kíp phẫu thuật tạo hình do GS Trần Thiết Sơn (Bệnh viện Xanh Pôn) đã mổ thành công cho cô bé 4 tuổi, bị sẹo di chứng bỏng lửa từ khi 1 tuổi ở vùng cổ. Sẹo gây dính vùng cổ cằm, khiến cô bé không thể ngửa cổ được. Các bác sĩ đã hội chẩn kỹ để đưa ra phương pháp tối ưu và hai ê kíp đầu ngành về gây mê (Bệnh viện Việt Đức) và phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn) đã tham gia ca mổ khó này rất thành công.
“Bỏng càng sâu, nguy cơ di chứng càng cao, ảnh hưởng đến sự liên kết mô, dễ gây phản ứng quá phát của cơ thể trong quá trình lành sẹo, dẫn đến một vùng sẹo xấu, xơ cứng, dẫn tới những di chứng không mong muốn”, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) giải thích. Nếu sẹo ở bàn tay khiến các ngón dính và co quắp vào bên trong. Sẹo ở ngực, nách khiến cánh tay dính hẳn vào người. Sẹo ở đầu gối bên nào sẽ co rút bên đó… Do vùng sẹo không lớn lên theo sự phát triển chung ở cơ thể, dần dần gây chèn ép các cơ quan xung quanh, cơ bắp teo tóp, hình dáng xương cũng bị ảnh hưởng…
Không chỉ bỏng, mà nhiều người bị tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt… với những vết thương sâu không may ở vùng liên quan đến vận động (như các khớp chân, tay, vai…) sau khi sẹo đã lành sẽ xuất hiện hiện tượng co rút. Càng để tình trạng co kéo, mất hay giảm chức năng kéo dài, thì việc phẫu thuật, tập vật lý trị liệu giải phóng vùng vận động đó càng tốn thời gian, công sức nhiều hơn bởi sẹo co rút làm cơ, xương khớp cũng bị ảnh hưởng… không thể vận động tốt như bình thường.
Phẫu thuật tạo hình cần làm trước tuổi đi học hay dậy thì
Sẹo bỏng gây co rút các ngón tay
Theo TS. BS Phạm Thị Việt Dung (Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn), sẹo bỏng thường chiếm diện tích rộng nên di chứng ảnh hưởng lớn, nhất là trẻ em. Nguyên nhân là mọi vùng cơ thể của trẻ em đều tăng trưởng theo thời gian, nhưng tổ chức xơ sẹo thì không phát triển thêm, không có tính đàn hồi.
Theo các bác sĩ, các vết bỏng ở cổ thường ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của vùng này, mức độ nhẹ là sẹo cứng, dày và ngứa. Nặng hơn là hạn chế vận động và co kéo cằm cổ, giảm hay mất khả năng ngậm kín miệng. Đã có những trường hợp trẻ bị bỏng từ nhỏ ở vùng mặt, cổ đã dẫn tới tình trạng cổ vẹo một bên, dính vào ngực, không thể xoay trở, cột sống cổ bị ảnh hưởng nặng, hai bên vai phát triển không đồng đều, các cơ quan trên mặt như mắt, miệng… cũng bị xô lệch do co kéo. Để lâu toàn bộ xương hàm dưới biến dạng nặng nề, khớp cắn bị đảo ngược và răng hàm dưới bị chìa ra phía trước. Nhiều trường hợp da mi dưới bị kéo trễ đến mức bệnh nhân không thể nhắm mắt, gây viêm giác mạc hay kết mạc mãn tính. Tư thế gập cổ kéo dài còn gây biến dạng và thoái hoá đốt sống cổ.
Khi trẻ đến tuổi dậy thì, các biến dạng của mặt càng nặng nề khi xương sọ -mặt bị tổn thương. Trẻ còn bị rối loạn tâm lý, biểu hiện là mặc cảm và tự ti, không thích đi học hay ngại giao tiếp. Sự khó khăn trong động tác quay cổ, ăn uống khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Gần đây, kỹ thuật vi phẫu, giãn da, chuyển vạt tổ chức kế cận đã cho phép phẫu thuật sớm và hiệu quả hơn cho bệnh nhân bị sẹo bỏng cổ. Nguyên tắc chung là giải phóng và cắt bỏ toàn bộ sẹo bệnh lý ở cổ, sau đó dùng các vạt da có chất lượng cao về mặt thẩm mỹ để tái tạo hình dáng của cổ. Các di chứng ở vùng sọ mặt sẽ được giải quyết lần lượt trong những lần phẫu thuật tiếp theo.
Vì vậy, để phòng ngừa di chứng của sẹo bỏng ở cổ và các vùng vận động của trẻ em cổ ở trẻ em, ngoài điều trị tích cực các vết thương bỏng ngay từ giai đoạn cấp cứu, khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn liền sẹo, ngoài điều trị hàng ngày, bố mẹ trẻ cần nghe tư vấn của bác sĩ hướng dẫn xem nên dùng các biện pháp massage, hay vật lý trị liệu như thế nào để làm mềm sẹo.
Các bác sĩ khuyên rằng, việc phẫu thuật tạo hình cần được thực hiện trước tuổi đi học, hay trước tuổi dậy thì – đó là cách duy nhất có hiệu quả để tránh những biến dạng của vùng mặt cổ, các vùng vận đông khác về sau. Việc phẫu thuật sớm cũng ít tốn kém và đơn giản hơn so với những trường hợp đã có các di chứng muộn.
Uyển Hương
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21