Cám gạo với tinh chất quý ít người biết
Cám gạo chiếm 10% trọng lượng hạt thóc, được coi là phụ phẩm nông nghiệp, dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô.
Cám gạo chiếm 10% trọng lượng hạt thóc, được coi là phụ phẩm nông nghiệp, dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cám gạo đã được chứng minh là chứa nhiều chất dinh dưỡng và các chất có hoạt tính sinh học cao.
Công dụng quý của cám gạo và dầu cám gạo
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, sử dụng cám gạo có lợi cho sức khỏe: chống lão hóa, ổn định huyết áp, tăng sức đề kháng, cân bằng đường huyết, điều chỉnh hệ thống nội tiết tố cho phụ nữ tiền mãn kinh, đặc biệt hạn chế được sự phát triển của tế bào ung thư.
Trong cám gạo có protein (11-17%), chất béo (12-29%), (10-55%), carbonhydrate và chất xơ (6-31%); chưa kể đến các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6), vitamin E, vitamin K, cholin, acid folic và các chất khoáng như Fe, K, P, Se, Mg, Zn. Ngoài ra, cám gạo chứa hơn 100 chất có hoạt tính sinh học như γ-oryzanol, acid ferulic, tocotrienol, tocopherol, octacosanol, squalen...
Cám gạo chứa nhiều tinh chất quý.
Hợp chất arabinoxylan được thủy phân từ cám gạo là hợp chất có thể kích thích hệ thống miễn dịch mạnh và an toàn. Nó làm tăng sản xuất các cytokine tự nhiên của cơ thể, giúp tiêu diệt các tế bào lạ và virut, hoạt hóa hệ thống miễn dịch bằng cách làm tăng hoạt động của tế bào lympho B, T và các tế bào NK chống lại tác nhân gây bệnh. Các Arabinoxylan có khối lượng phân tử khoảng 5-300 kDa thể hiện hoạt tính miễn dịch mạnh nhất, được sử dụng khá phổ biến trên thế giới ở dạng thực phẩm chức năng và được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm HIV, viêm gan và ung thư.
Bên cạnh đó, dầu cám gạo chứa các acid béo chưa no (acid oleic, acid linolenic, acid linoleic), acid béo no (acid palmatic, acid stearic), các chất không xà phòng hóa (γ-oryzanol, vitamin E, squalen, tocopherol). Lượng chất béo trong cám gạo rất cao, thường dùng để chiết xuất dầu cám. Tỷ lệ giữa 3 thành phần acid béo no - acid béo không no đơn - acid béo không no đa trong dầu cám gạo là 10:15:10. Đây là tỷ lệ được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên nên dùng cho bệnh nhân có vấn đề liên quan đến các bệnh tim mạch để phòng ngừa xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, cholesterol máu cao.
Đặc biệt, đã có nhiều công trình nghiên cứu tập trung về tác dụng của hợp chất γ-oryzanol. Một số tác dụng nổi bật của nó đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế như:
Tác dụng trên thần kinh trung ương: γ-oryzanol giúp cải thiện các triệu chứng của phụ nữ tiền mãn kinh, cải thiện trí nhớ người già, rối loạn thần kinh vận động, làm giảm nồng độ TSH do ức chế trực tiếp lên vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.
Tác dụng chống ôxy hóa: γ-oryzanol có tác dụng chống ôxy hóa gấp 10 lần tocotrienol và tocopherol, ức chế quá trình superoxy hóa bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tổn thương tế bào gan do rượu.
Tác dụng trên chuyển hóa lipid và cholesterol: γ-oryzanol làm giảm hấp thu cholesterol ở đường tiêu hóa, tăng đào thải cholesterol qua đường tiêu hóa bằng cách tăng tạo thành muối mật.
Tác dụng chống viêm, chống dị ứng: γ-oryzanol ức chế sự hoạt động của NF - kB, ức chế biểu hiện gen của TNFα, COX - 2, IL - 1β dẫn đến tác dụng chống viêm. γ -oryzanol gắn kết với IgE làm ngăn cản phản ứng quá mẫn xảy ra.
Tác dụng trên da: γ-oryzanol giúp ức chế enzym tyrosinase ngăn cản hình thành melanin, tác động lên tuyến nhờn làm cải thiện tình trạng da khô trong trường hợp viêm da cơ địa, da khô, giúp giữ ẩm da và ngăn cản tia UV.
Tác dụng chống ung thư: γ-oryzanol giúp hoạt hóa đại thực bào, tế bào NK, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trên chuột thí nghiệm gây ung thư đại tràng. Ức chế sự phát triển dòng tế bào ung thư bàng quang DU145 và PC3.
Lợi ích cho sức khỏe và chữa bệnh
Hiện nay, trên thế giới đã sử dụng dầu cám gạo như thực phẩm bổ sung mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong các trường hợp bị tiểu đường, thông qua cơ chế làm giảm quá trình stress, ôxy hóa, dẫn tới quá trình tái sinh các tế bào tụy, thận, tim, gan trở nên bình thường. Dầu cám gạo cũng làm giảm tình trạng rối loạn lipid máu, làm giảm sự tăng đáp ứng với nồng độ insulin cao trong trường hợp đái tháo đường.
Dầu cám gạo chứa các thành phần có hoạt tính sinh học cao như γ-oryzanol, vitamin E, squalen, tocopherol nên có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, chống lão hóa, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư da, ung thư đại tràng, ung thư tụy. Ngoài ra, dầu cám gạo cũng được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da như giữ ẩm, làm mềm da, chống lão hóa, làm trắng da. Tại Nhật Bản, bí quyết giữ sắc đẹp của phụ nữ xứ sở hoa Anh Đào cũng chính là cám gạo. Được sử dụng trong các chế phẩm sữa rửa mặt giữ ẩm cho da, kem dưỡng da có tác dụng chống ôxy hóa, chống lão hóa, chống hấp thụ UV...
Cám gạo còn được dùng để bổ sung vitamin B, đặc biệt B1 và acid folic cho khẩu phần ăn của phụ nữ có thai, giúp cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Tiến sĩ - Lương y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Tin nổi bật
- Gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc tim mạch, huyết áp
25/10/2022 - 09:27:21
- 11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
21/10/2022 - 09:24:50
- Đương quy bổ máu, những trường hợp nào không nên dùng?
14/10/2022 - 10:53:10
- 12 loại thực phẩm, đồ uống tăng cường miễn dịch chống lại cảm lạnh
06/10/2022 - 10:13:16
- 9 cách tự nhiên ngăn ngừa cơn đau dạ dày
26/09/2022 - 10:28:12
- Không để lãng phí nguồn dược liệu quý hiếm vùng Tây Nguyên
26/09/2022 - 10:23:59