Đương quy bổ máu, những trường hợp nào không nên dùng?
Đương quy là vị thuốc bổ máu được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền điều trị bệnh nhưng có một số trường hợp đặc biệt không nên dùng để tránh tác dụng ngược.
1. Đặc điểm của đương quy
Đương quy thường được gọi là "nhân sâm nữ", có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và được di thực sang nước ta từ nhiều năm trước.
Đương quy chứa các vitamin quan trọng như A, C và E và B-Complex, các khoáng chất như sắt, magie, kali… và đóng vai trò như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Theo y học cổ truyền, đương quy có cả vị ngọt, cay, hơi đắng, mùi thơm như mật ong, tính ấm có tác dụng trong các bệnh rối loạn về máu, tăng huyết áp, đau khớp, giải tỏa tâm trạng u uất… Tuy nhiên, công dụng chính của đương quy là bổ huyết bằng cách tăng sản xuất hồng cầu, bạch cầu và hemoglobin....
2. Sử dụng đương quy chữa bệnh gì?
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, đương quy được sử dụng để hỗ trợ cơ thể trở lại trạng thái cân bằng cảm xúc và nội tiết tố.
Đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe phụ nữ, loại thảo mộc này hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và hỗ trợ điều trị các tình trạng như:
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
- Đau bụng kinh - đau và chuột rút.
- Kinh nguyệt bất thường.
- Các triệu chứng thời kỳ mãn kinh: bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng, mất ngủ và khô âm đạo.
- Đẩy nhanh thời gian phục hồi sau khi sinh con, đặc biệt là trong trường hợp mất máu nhiều
- U xơ tử cung.
Bên cạnh đó, đương quy còn được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả cho bệnh tăng huyết áp với các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, ù tai, mất ngủ, trí nhớ kém.
Đương quy có nhiều tác dụng nhưng được dùng nhiều cho các trường hợp cần bổ máu.
3. Những trường hợp đặc biệt không nên dùng đương quy
Đương quy là vị thuốc tương đối an toàn cho hầu hết mọi người mặc dù vẫn gặp một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, dị ứng, ức chế đông máu…
3.1 Người đang dùng thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau
Những người dùng thuốc chống đông máu như coumadin hoặc warfarin, heparin... nên tránh loại thảo mộc này. Cũng nên thận trọng với các loại thuốc giảm đau không kê đơn thông thường có chứa ibuprofen, naproxen và aspirin.
Mặc dù đương quy có thể kết hợp với nhiều loại thảo dược để làm tăng tác dụng chữa bệnh nhưng nên tránh sử dụng nó kết hợp với các chất bổ sung thảo dược được biết là làm chậm đông máu như đinh hương, tỏi, nhân sâm, bạch quả, cỏ ba lá đỏ, cam thảo, nghệ, cỏ mần trầu, cây dương và gừng.
Đương quy không nên dùng cho người đang sử dụng thuốc chống đông máu.
3.2 Trường hợp chuẩn bị phẫu thuật
Ngừng dùng loại thảo dược này ít nhất hai tuần trước bất kỳ thủ tục phẫu thuật nào để đảm bảo đông máu thích hợp và giảm nguy cơ chảy máu quá nhiều, không kiểm soát được.
3.3 Với phụ nữ trong các giai đoạn đặc biệt
Loại thảo mộc này không nên dùng cho bà mẹ cho con bú và được chống chỉ định ở phụ nữ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến hoạt động cơ tử cung.
Những người dùng thuốc tránh thai và trong thời kỳ kinh nguyệt không nên dùng vì có thể sẽ làm máu ra nhiều.
Những phụ nữ có tình trạng nhạy cảm với hormone bao gồm ung thư vú, tử cung và buồng trứng, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung nên tránh dùng đương quy độc vị hoặc kết hợp các vị thuốc khác do thảo dược có tác dụng kích thích tố nữ.
3.4 Người mắc một số bệnh mạn tính
Những người được chẩn đoán mắc bệnh gan hoặc thận nặng, rối loạn đông máu như bệnh ưa chảy máu hoặc thiếu protein S và trẻ em... không nên dùng vì tính an toàn vẫn chưa được chứng minh.
3.5 Người bệnh tiêu hóa
Theo GS. TS. Phạm Xuân Sinh (chuyên gia y học cổ truyền), những trường hợp viêm đại tràng thể hàn, phân thường xuyên nát, lỏng không nên dùng đương quy do thảo dược này có tính nhuận hoạt tràng.
4. Món ăn hồi phục sức khỏe chứa đương quy
Đương quy có thể được sử dụng như một loại gia vị hoặc dùng dưới dạng tinh dầu, trà, bột, viên nang, cồn thuốc (là dạng chiết xuất của dược liệu thực vật, động vật hoặc hòa tan cao thuốc với ethanol ở các nồng độ khác nhau). Cồn thuốc có hiệu lực cao nên hầu hết người lớn thường dùng với liều lượng 1/4 thìa cà phê hai lần một ngày.
Đương quy còn được kết hợp với các loại thuốc khác tùy thuộc vào loại bệnh để chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dưới đây là một món ăn chứa đương quy có tác dụng bồi bổ cơ thể:
Thành phần
- 1 miếng rễ đương quy
- 10 quả chà là khô
- 3 quả trứng cỡ thường
- Đường phèn
- 3 lát gừng
- 5 cốc nước
Cách làm
- Rửa sạch rễ đương quy và đặt vào nước nóng trong 30-60 phút. Sau đó cắt thành những miếng mỏng, càng mỏng càng tốt.
- Trứng luộc chín và bóc bỏ vỏ. Dùng tăm hoặc vật tương tự chọc lỗ vào trứng để trứng dễ ngấm gia vị.
- Đổ 5 cốc nước lạnh vào nồi và đun sôi.
- Thêm gừng, chà là và đun trên lửa lớn trong 10 phút.
- Thêm trứng và đun sôi trở lại.
- Cuối cùng, thêm đường phèn và nấu trong 5 phút..
Trong quá trình dùng đương quy, dưới bất kỳ dạng bào chế nào, cần sử dụng đúng theo hướng dẫn, không được uống nhiều hơn liều lượng tối đa được đề nghị tránh làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Tin nổi bật
- Gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc tim mạch, huyết áp
25/10/2022 - 09:27:21
- 11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
21/10/2022 - 09:24:50
- 12 loại thực phẩm, đồ uống tăng cường miễn dịch chống lại cảm lạnh
06/10/2022 - 10:13:16
- 9 cách tự nhiên ngăn ngừa cơn đau dạ dày
26/09/2022 - 10:28:12
- Không để lãng phí nguồn dược liệu quý hiếm vùng Tây Nguyên
26/09/2022 - 10:23:59
- Xoa bóp, bấm huyệt lão khoa: “Năng lượng mới” cho người cao tuổi
15/10/2020 - 10:15:38