Đông y chữa sạm da
Sạm da là một bệnh da mắc phải do hắc tố lắng đọng quá mức. Tổn thương sạm da tại các vùng 2 bên má, mũi, quanh miệng.
Bệnh hay gặp ở phụ nữ trung niên, do khí huyết và hoạt động của các tạng phủ bắt đầu suy yếu. Đông y cho rằng bệnh phần nhiều do thận âm bất túc hoặc do can khí uất kết lâu ngày gây tổn thương âm huyết. Trên lâm sàng bệnh hay kèm với các triệu chứng của thận âm không đầy đủ, rối loạn kinh nguyệt, đau lưng mỏi gối, hoặc các triệu chứng của can khí uất, tinh thần dễ cáu gắt bực bội… Xin giới thiệu một số bài thuốc thường dùng:
Sạm da do tỳ vị suy yếu
Biểu hiện: Da nhợt nhạt, ngực bụng đầy tức, người mệt mỏi, ăn không tiêu, đau bụng khi hành kinh, tiểu tiện đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng.
Bài thuốc: Đảng sâm 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 10g, sơn dược 15g, bạch biển đậu 12g, phục linh 12g, hoàng bá 10g, hoàng cầm 10g, trạch tả 10g, hoạt thạch 8g, cam thảo 3g. Sắc uống.
Sạm da do can khí uất kết
Biểu hiện: thường hay tức ngực, miệng khô, hỏa nhiệt bốc lên mặt, đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều, đau đầu khi hành kinh, tâm trí bất an.
Bài thuốc: Sinh địa 15g, thục địa 15g, huyền sâm 10g, thiên hoa phấn 10g, tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, quy bản (nướng) 10g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g. Sắc uống.
Sạm da do khí hư
Biểu hiện: Người mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, sợ lạnh, nước tiểu trong, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng.
Bài thuốc: Đảng sâm 16g, đậu ván 12g, lạc tiên 10g, nhân trần 10g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, trần bì 6g, rễ cỏ tranh 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống.
Sạm da do huyết hư
Biểu hiện: Người gầy yếu, da khô, sắc mặt vàng, hoa mắt, chóng mặt, đại tiện táo, tiểu vàng, nóng, người bứt rứt, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, lưỡi nhạt, rêu vàng.
Bài thuốc: Đương quy 12g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu đen 10g, rau má 12g, nhân trần 10g, lá dâu 8g, lạc tiên 12g, mã đề 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống.
Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Uống liền trong 7-10 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ 5 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới. Kiên trì điều trị chứng sạm da hoàn toàn có thể cải thiện được. Ngoài ra cần duy trì trạng thái tâm trí vui, ngủ đủ nhu cầu, ăn nhiều rau củ quả, tránh các thức ăn cay nóng, khó tiêu.
DS. Phạm Dương
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/dong-y-chua-sam-da-n176634.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Những huyệt trị đau vùng thượng vị
28/09/2022 - 10:12:21
- Trị bệnh sởi bằng thuốc Đông y
13/07/2020 - 09:56:12
- Mách bạn mẹo hay giúp giảm cơn đau dạ dày
08/07/2020 - 10:01:01
- Tai biến mạch máu não, gây đột quỵ: Hệ quả và cách khắc phục
03/07/2020 - 09:42:07
- Người đàn ông làm bệnh sởi phát tán tại Mỹ
18/04/2019 - 21:38:55
- Người phụ nữ đầu tiên thế giới không có vitamin D trong cơ thể
18/04/2019 - 14:19:58