Những huyệt trị đau vùng thượng vị
Đau vùng thượng vị (Đông y còn gọi là vị quản thống, tâm vị thống) là tình trạng căng tức với các cơn đau nhói, đau thắt, đau âm ỉ… từ dưới mũi xương ức đến rốn và hai bên mạn sườn.
1. Nguyên nhân sinh bệnh
Theo y học hiện đại, đau vùng thượng vị có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân do vùng thượng vị có liên quan mật thiết đến các cơ quan khác như dạ dày, gan, ống thực quản, tuyến tụy, ruột non. Vì vậy mà bất kỳ cơ quan nào bị tổn thương như viêm dạ dày tá tràng, trào ngược dịch vị dạ dày thực quản, viêm thực quản… cũng có thể gây ra tình trạng đau thượng vị.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân đau vùng thượng vị do ăn uống không điều độ. Ăn nhiều thức ăn sống, lạnh, béo, ngọt, cay, nóng thức ăn kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê... hoặc do lo nghĩ, tức giận thái quá.
Cũng có thể là do nhiễm ngoại tà làm tổn thương đến vị, gan tỳ, dẫn đến vận hòa không thông mà gây nên bệnh.
Biểu hiện của bệnh: trướng bụng đầy hơi, nóng rát ở ngực, đau tức dạ dày ợ hơi, ợ chua, chán ăn, nôn hoặc buồn nôn, sau khi ăn no…
2. Một số huyệt cơ bản trị đau thượng vị
Các huyệt vị: Trung quản, túc tam lý, cự khuyết, công tôn...
Tác dụng: Điều hòa tỳ vị, thông kinh lạc, giảm co thắt, giảm đau.
Thường gặp 5 hội chứng đau vùng thượng vị, cần gia giảm thêm một số huyệt theo đối chứng trị liệu cho phù hợp như sau:
2.1. Hội chứng đau vùng thượng vị do can khi phạm vị
Đau vùng thượng vị lan sang bên hông sườn, ấn đè đau tức khó chịu, ợ hơi, ợ chua, tình trí không thoải mái. Châm thêm: Kỳ môn, thái xung, nội quan, lương môn.
2.2. Hội chứng đau vùng thượng vị do tỳ vị hư hàn
Đau vùng thượng vị lâm râm, tay chân lạnh chườm ấm dễ chịu, ăn uống lạnh đau tăng, tiêu lỏng. Châm thêm: Thiên khu, quan nguyên, khí hải, vị du
2.3. Hội chứng đau vùng thượng vị do tà khí xâm phạm
Đau vùng thượng vị diễn ra đột ngột, dữ dội, chườm ấm dễ chịu, môi nhợt, tiêu lỏng, không khát nước. Châm thêm: Thừa mãn, thiên khu, nội đình, vị du.
2.4. Hội chứng đau vùng thượng vị do thương thực (thức ăn đình tích)
Đau vùng thượng vị, bụng đầy trướng, ấn đè đau tăng, nôn ra thức ăn thì bớt đau, đại tiện không thông thoáng. Châm thêm: Nội đình, thiên khu, thừa mãn.
2.5. Hội chứng đau vùng thượng vị do ứ huyết
Đau cố định một chỗ, đau từng cơn như kim châm, có khi nôn ra máu đỏ tươi, đi cầu phân đen, lưỡi có đốm ứ huyết.
Châm thêm: Cách du, nội quan, huyết hải, nội đình. Châm cứu căn cứ năm hội chứng trên để gia giảm là rất cần thiết.
Ngoài ra, nếu người lạnh (hàn) đã tái phát, lâu (mãn) thì nên châm bổ, đợt điều trị từ một đến hai tuần. Nên cứu ấm các huyệt và cứu thêm huyệt thần khiết (rốn).
Nếu bệnh nhân có thể chất còn khỏe thì châm tả. Người nóng nhiệt không nên cứu.
Ngoài ra, cần điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp, tránh lo nghĩ, tức giận thái quá thì đau vùng thượng vị ít có khả năng tái phát.
Tin nổi bật
- Trị bệnh sởi bằng thuốc Đông y
13/07/2020 - 09:56:12
- Mách bạn mẹo hay giúp giảm cơn đau dạ dày
08/07/2020 - 10:01:01
- Đông y chữa sạm da
06/07/2020 - 10:03:41
- Tai biến mạch máu não, gây đột quỵ: Hệ quả và cách khắc phục
03/07/2020 - 09:42:07
- Người đàn ông làm bệnh sởi phát tán tại Mỹ
18/04/2019 - 21:38:55
- Người phụ nữ đầu tiên thế giới không có vitamin D trong cơ thể
18/04/2019 - 14:19:58