Mai hoa châm điều trị rụng tóc
Phương pháp Mai hoa châm chỉ dùng kim gõ lên bề mặt da, không tổn thương phần cơ nhục, lúc trị liệu không gây ra đau đớn, đồng thời người bệnh có thể tự sử dụng một cách thuận tiện.
Mai hoa châm là gì?
Mai hoa châm là một bộ phận quan trọng trong châm cứu học, hiện đã có hơn 2000 năm lịch sử. Hình thức ban đầu của mai hoa châm xuất hiện sớm nhất trong “Hoàng đế nội kinh” với tên gọi “mao thích”, “dương thích”, “bán thích”. Người xưa dùng 5 chiếc kim bó lại với nhau giống hình hoa mai nên đặt tên cho nó là mai hoa châm, nếu dùng 7 chiếc kim bó lại thì gọi là thất tinh châm, ngày nay cả hai loại này thường được gọi chung là mai hoa châm. Tố Vấn - Thiên Bì bộ luận nói rằng “Phàm lạc mạch của 12 kinh đều có hiện ra ở bì bộ, trăm bệnh khi mới phát sinh đều trước từ bì mao”. Như vậy tà khí xâm phạm vào da trước rồi theo đường kinh lạc dẫn truyền vào tạng phủ. Mặt khác, bệnh tật từ tạng phủ phát sinh ra thì cũng theo đường kinh lạc từ tạng phủ chuyển ra ngoài. Dùng mai hoa châm kích thích lên bề mặt da, thông qua mối quan hệ giữa bì bộ kinh mạch, kinh lạc và tạng phủ mà điều hòa dinh vệ, khí huyết; điều chỉnh cân bằng âm dương, kích phát điều tiết công năng của tạng phủ kinh lạc.
Phương pháp mai hoa châm chỉ dùng kim gõ lên bề mặt da, không tổn thương phần cơ nhục, lúc trị liệu không gây ra đau đớn, đồng thời người bệnh có thể tự sử dụng một cách thuận tiện.
Trên lâm sàng mai hoa châm được ứng dụng điều trị trong nhiều tật bệnh như cận thị, suy nhược thần kinh, liệt dây thần kinh mặt, đau đầu, đau lưng, viêm da thần kinh, viêm da mạn tính…Đặc biệt hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh hiệu quả điều trị của mai hoa châm trong bệnh rụng tóc.
Ứng dụng trong điều trị rụng tóc
Theo Y học cổ truyền, tóc là phần thừa của huyết. Chư bệnh nguyên hậu luậnviết: “Nếu huyết thịnh ắt sẽ vinh nhuận râu tóc, vì thế tóc râu tươi tốt. Nếu huyết khí suy yếu, kinh mạch hư kiệt, không thể vinh nhuận,râu tóc sẽ rụng”. Nội kinh có nói “Con gái 7 tuổi Thận khí đầy đủ, răng đổi tóc dài... đến năm 35 Dương minh mạch suy, vẻ mặt bắt đầu khô khan, tóc bắt đầu rụng... Con trai 8 tuổi Thận khí đầy đủ, tóc dài răng đổi… đến năm 40 tuổi Thận khí suy dần, tóc rụng răng se”, “Thận vinh nhuận ra tóc”. Tỳ chủ vận hóa, công năng của Tỳ bình thường sẽ hóa sinh đầy đủ khí huyết để nuôi dưỡng tóc. Can chủ sơ tiết, Can dưỡng huyết, Can ảnh hưởng vào sự vận hành của khí, khí hành ắt huyết hành, khí trệ ắt tinh huyết không thể đến nuôi dưỡng cho tóc, hơn nữa Can mộc thừa Tỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự vận hóa của Tỳ. Vì vậy sự sinh trưởng của tóc có mối quan hệ mật thiết với sự thịnh suy, thông thuận của khí huyết kinh lạc tạng phủ, đặc biệt là Can, Thận, Tỳ. Cho nên rụng tóc có liên quan đến khí huyết bất túc, huyết lưu thông không thuận lợi, thậm chí tình trạng khí huyết ứ trệ. Từ đấy không đủ tư dưỡng và nuôi dưỡng cho tóc, dẫn đến tình trạng tóc xơ khô, dễ đứt và dễ gãy. Vì vậy, việc dùng mai hoa châm kích thích lên da đầu giúp hành khí hoạt huyết khu ứ, cải thiện sự lưu thông khí huyết tại chỗ, từ đó tóc được nuôi dưỡng trở lại và kích thích mọc tóc mới, giảm rụng tóc.
Ngoài ra con người có 8 mạch kỳ kinh và 12 kinh lạc (gồm 6 kinh dương và 6 kinh âm có quan hệ biểu lý với nhau) phân bố khắp toàn thân. Trong đó 6 kinh dương và 6 mạch kỳ kinh đều đi lên vùng đầu mặt, cho nên vùng đầu còn có tên gọi “chư dương chi hội”. Vì vậy thông qua việc dùng Mai hoa châm kích thích lên da đầu giúp hành khí hoạt huyết khu ứ, sơ thông kinh lạc, cải thiện sự lưu thông khí huyết vùng đầu cũng như toàn thân, điều hòa công năng tạng phủ từ đó kích thích mọc tóc mới, giảm tóc rụng.
Cách dùng mai hoa châm
Sát khuẩn vùng da cần gõ, ngón tay cái và giữa cầm chặt ở 1/3 cán châm, ngón nhẫn và út đỡ thân cán vào lòng bàn tay, ngón trỏ đặt trên cán châm, để mặt nhọn của kim vào vị trí, dùng lực cổ tay gõ thẳng trục bó kim xuống da, gõ chạm da liền nhấc lên, dùng lực đều nhịp nhàng, lặp đi lặp lại, di chuyển dần từ ngoài vào trung tâm của vùng tóc rụng. Tùy vào thể chất, độ tuổi, tình trạng bệnh, vùng da gõ mà dùng lực kích thích nhẹ làm da hơi ửng đỏ, hay gõ mạnh cho đến khi da hơi xuất huyết.
Hai ngày 1 lần, 15 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ 2 ngày, có thể tiếp tục liệu trình tiếp theo.
Lưu ý:
Bệnh nhân đang qua đói hoặc quá mệt không dùng, không nên gõ lên sẹo và vùng da lở loét, viêm nhiễm. Trong suốt quá trình điều trị bệnh nhân nên ngủ đủ giấc, không thức khuya, giữ tinh thần lạc quan thoải mái.
Trong điều trị thường kết hợp mai hoa châm với hào châm và các loại thảo dược bôi ngoài da như gừng tươi cũng như thuốc uống. Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm để được tư vấn trong điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
TS.BS.VÕ Trọng Tuân- Dương Thị Ngọc Lan
Tin nổi bật
- Day bấm huyệt phục hồi di chứng tai biến mạch máu não
22/09/2020 - 09:55:55
- Xoa bóp trị chứng táo kết ở trẻ
14/09/2020 - 10:12:48
- Xoa bóp phòng, hỗ trợ trị tê tay
18/07/2020 - 09:53:45
- Lợi ích từ phương pháp châm cứu, bấm huyệt
14/03/2019 - 00:36:38