Quảng đậu căn - Thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng
Quảng đậu căn còn có tên sơn đậu căn. Quảng đậu căn là rễ khô của cây quảng đậu căn (Sophora subprostrata Chun. et T.Chen.), thuộc họ đậu (Fabaceae).
Cây mọc hoang ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, là cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Thu hái vào mùa xuân, thu đào hái rễ về, bỏ thân lá và rễ tơ, rửa sạch đất, phơi khô. Loại bỏ tạp chất, bỏ thân còn sót, chọn riêng rễ to, nhỏ, ngâm nước, vớt ra ủ cho mềm, cắt thành từng miếng, phơi sấy khô. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Sơn đậu căn chứa matrin, oxymatrin, anagyrin, methylcytisin, pterocarpin,... Dược học hiện đại nghiên cứu chất matrin, oxymatrin có tác dụng chống loét, chống co thắt và chống khối u. Theo Đông y, sơn đậu căn vị đắng, tính hàn; vào kinh tâm, phế, đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng chỉ thống. Chữa mụn nhọt, đau cổ họng, răng lưỡi sưng đau, hen suyễn đầy tức, đau bụng đi kiết lỵ, ngũ trĩ, bệng hoàng đản cấp tính; dùng ngoài trị nhiệt thũng, ghẻ lở và những vết rắn, chó, nhện cắn. Ngày dùng 6 - 12g. Dùng ngoài nghiền một lượng vừa đủ, hòa với dầu hoặc giã lấy nước cốt bôi lên chỗ đau.
Sơn đậu căn (rễ khô của cây quảng đậu căn) tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, trị mụn nhọt, cổ họng sưng đau, đau răng…
Một số bài thuốc có sơn đậu căn
Giải độc, trị nhọt:
Bài 1: sơn đậu căn 10g sắc uống. Trị các chứng mụn nhọt do nhiệt độc; còn có tác dụng giải độc do rắn rết, côn trùng cắn...
Bài 2: sơn đậu căn tán bột mịn, trộn với nước đun sôi thành hồ nhão. Hoặc sơn đậu căn 12g, hàn the 4g, băng phiến 0,8g, tán bộ mịn, thêm nước sôi thành hồ nhão, bôi đắp lên vết thương. Trị côn trùng, rắn, rết cắn.
Mát họng dịu đau. Chữa chứng hỏa độc ở phế vị
Bài 1 - Thang sơn đậu căn: sơn đậu căn 12g, kinh giới 8g, phòng phong 8g, cương tằm 12g, xích thược 12g, bạc hà 4g, quy vĩ 8g, cát cánh 8g, cam thảo 8g, chi tử 12g. Sắc uống. Trị cổ họng sưng đau.
Bài 2: sơn đậu căn 20g sắc lấy nước, ngậm nhiều lần trong miệng, mỗi lần vài phút thì nhổ ra. Trị răng lợi sưng đau.
Bài 3: sơn đậu căn 12g, cương tằm 12g, chi tử 12g, huyền sâm 8g, cát cánh 8g, cam thảo nam 8g, bạc hà 6g, kinh giới 6g. Sắc uống. Chữa sưng họng, sưng chân răng.
Bài 4: sơn đậu căn 12g, kim ngân hoa 12g, hoàng liên 4g, hoàng bá 8g. Sắc uống.
Ở Trung Quốc, người ta nghiên cứu dùng sơn đậu căn trị ung thư. Một số nước khác dùng sơn đậu căn chữa viêm họng, ho, vàng da, táo bón, sưng mộng răng. Dùng ngoài chữa bỏng và rắn cắn.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, đái tháo đường không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang
Tin nổi bật
- Gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc tim mạch, huyết áp
25/10/2022 - 09:27:21
- 11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
21/10/2022 - 09:24:50
- Đương quy bổ máu, những trường hợp nào không nên dùng?
14/10/2022 - 10:53:10
- 12 loại thực phẩm, đồ uống tăng cường miễn dịch chống lại cảm lạnh
06/10/2022 - 10:13:16
- 9 cách tự nhiên ngăn ngừa cơn đau dạ dày
26/09/2022 - 10:28:12
- Không để lãng phí nguồn dược liệu quý hiếm vùng Tây Nguyên
26/09/2022 - 10:23:59