Bỏ quên tiêm phòng, nhiều trẻ nhỏ mắc sởi nhập viện điều trị
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hiện đang có 5 bệnh nhân nghi mắc sởi vào nhập viện điều trị, nhiều trong số đó là trẻ nhỏ, chưa được tiêm vác xin phòng sởi.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng khoa Truyền nhiễm kiểm tra sức khỏe cho cháu Nguyễn Hoàng Long
Sau 4 ngày sốt cao, khó thở, lốp miệng, nổi ban đỏ nhiều và lan rộng khắp người, cháu Nguyễn Hoàng Long (10 tháng tuổi), con trai chị Nguyễn Thị Thu (ở thôn 8, Hương Đô, Hương Khê) được đưa đến trạm y tế kiểm tra. Tại đây, qua thăm khám, cháu Long được chẩn đoán nghi mắc sởi ở thể nặng và được chuyển đến BVĐK Hà Tĩnh để theo dõi, điều trị. Đến lúc này, chị Thu mới biết con bị sởi chứ không phải sốt virus thông thường.
Chị Thu cho biết: “Từ trước tới nay cháu chưa được tiêm phòng sởi, một phần vì con hay ốm vặt, cộng thêm thời gian qua có một số trẻ có phản ứng sau tiêm văc xin nên tôi sợ không dám cho con đi tiêm. Nghĩ lại tôi thấy ân hận quá, con ốm suốt 7 ngày nay rồi, sau khi xuất viện tôi sẽ về tiêm phòng cho cháu các loại vắc xin để phòng bệnh.”
Không chỉ có trẻ nhỏ mắc sởi, mà cả người lớn cũng đang phải đối mặt với bệnh sởi. Anh Trương Văn Phúc (30 tuổi, ở thôn Tây Sơn, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà) cũng đang được theo dõi, điều trị từ một tuần nay tại Khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh. Bệnh nhân Phúc cho biết, ở nhà thấy cơ thể mỏi mệt, đau đầu, sốt cao, ho, sau vài ngày thấy nổi nhiều ban đỏ, nghĩ là cúm thông thường và nổi mè đay. Nhưng sau nhiều ngày liên tục không khỏi, vợ anh mới đưa đến bệnh viện thăm khám, qua đó phát hiện anh bị mắc sởi ở thể nặng do để lâu ngày. Điều đáng nói là bệnh nhân Phúc trước đây cũng chưa được tiêm phòng sởi.
Bệnh nhân Trương Văn Phúc được theo dõi điều trị tại khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh.
Trong thời điểm giao mùa, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Tĩnh đã ghi nhận bệnh nhân mắc sởi vào khám và điều trị. Nguy hiểm là nhiều người mắc sởi mà không biết. Một số trường hợp khi đến bệnh viện đã rất nặng do để ở nhà quá lâu, nghĩ sốt vi rút thông thường, tự dùng nhiều loại thuốc mà không có chỉ định của bác sỹ.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hà Tĩnh cho biết: Các bệnh nhân mắc sởi vào điều trị tại khoa đều ở thể nặng, do chủ quan, nghĩ mắc các bệnh cảm cúm hoặc sốt virus thông thường nên điều trị rất lâu khỏi.
Bác sỹ Bảo cũng đưa ra các triệu chứng về bệnh sởi để bệnh nhân lưu ý như: Ban đầu thường có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh điều tra dịch tể tại khoa truyền nhiễm BVĐK tỉnh
Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo: Để phòng, tránh bệnh sởi tốt nhất, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng với mục đích vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con (nữ giới). Những trẻ nào đã bỏ sót hoặc quên tiêm phòng sởi, phụ huynh cần tới các cơ sở y tế để liên hệ tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Tại gia đình có trẻ bị sởi, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bệnh sởi và người nghi bị sởi. Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình nhưng phải theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sỹ. Cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày, dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A; cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước, khi trẻ sốt cao, tiêu chảy; nên nằm phòng riêng, chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy trẻ sốt trở lại hoặc bất thường, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay. |
Tin nổi bật
- Câu hỏi thường gặp liên quan đến chốc mép
26/03/2024 - 17:22:15
- Mẩn đỏ, mụn li ti hay gặp ở trẻ sơ sinh chữa thế nào?
23/02/2024 - 10:45:18
- Nổi mề đay do lạnh cần làm gì?
29/01/2024 - 11:26:54
- Porphyrin - bệnh da do ánh sáng
26/01/2024 - 10:09:38
- 6 bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng mọi người cần biết
19/01/2024 - 15:16:10
- Bé gái vừa sinh đã mắc bệnh ly thượng bì bọng nước hiếm gặp: Ai không nên sinh con?
05/01/2024 - 10:27:21