Làm gì khi bị hạ canxi máu?
Hạ canxi máu thường gặp ở những người có chế độ ăn thiếu canxi, cơ thể giảm khả năng hấp thu canxi do thiếu vitamin D, bị cắt đoạn ruột, mắc hội chứng giảm hấp thu mạn tính hoặc dùng nhiều thuốc lợi tiểu dạng furosemid...; hoặc mắc các rối loạn nội tiết: suy tuyến cận giáp trạng, tăng tiết calcitonin trong ung thư tuyến giáp... Việc cần thiết là nhận biết cơn hạ canxi máu và sơ cứu, tránh hốt hoảng quá mức
Vai trò của canxi trong cơ thể
Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, nó đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormon và đông máu. Trẻ em thiếu canxi, ngoài việc bị còi xương, chậm tăng chiều cao còn bị còi cọc, khóc đêm, hay giật mình khóc thét, đổ mồ hôi trộm... Người lớn thiếu canxi thì bị loãng xương, còng lưng, gai cột sống, gai gót chân và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.
Lượng dự trữ canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là do thức ăn, nước uống đưa vào, hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận. Nhu cầu hằng ngày với một chế độ ăn đầy đủ phải bảo đảm cung cấp khoảng 1.000mg canxi qua đường ăn uống thì có khoảng 200mg canxi bị đào thải qua đường mật và các dịch tiêu hóa khác.
Bàn tay co rút - dấu hiệu hạ canxi máu.
Mỗi ngày có khoảng 200 - 400mg canxi được hấp thu từ ruột vào máu và quá trình này phụ thuộc vào nồng độ vitamin D trong máu, phần canxi còn lại đào thải qua phân. Gần 99 % canxi trong cơ thể tập trung ở trong xương, chủ yếu dưới dạng tinh thể hydroxyapatite. Chỉ 1% canxi trong xương là tự do trao đổi với dịch ngoài tế bào, do đó luôn sẵn sàng để điều chỉnh nồng độ canxi trong máu luôn ổn định. Nồng độ canxi toàn phần bình thường trong máu được duy trì dao động từ 8,8 đến 10,4 mg/dl (2,20 - 2,60mmol/l).
Các nguyên nhân gây hạ canxi máu
Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8mg/dl (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặccanxi ion hóa dưới 4,7mg/dl (1,17mmol/l). Có nhiều nguyên nhân gây nên hạ canxi máu: tăng tạo xương trong khi cung cấp canxi không đủ (trẻ em đang giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ); mắc hội chứng kém hấp thu do rối loạn tiêu hóa kéo dài; suy tuyến cận giáp trạng, làm giảm bài tiết parathyroid hormon gây hạ canxi máu, tăng photpho máu và thường gây nên cơn tetani mạn tính; thiếu hụt vitamin D; bệnh lý thận: bệnh lý ống thận, suy thận.
Các nguyên nhân khác như thiếu hụt magiê, viêm tụy cấp, giảm albumin máu, tăng photpho máu; uống các thuốc gây hạ canxi huyết như thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenytoin), rifampicin, truyền máu nhiều, thuốc cản quang, dùng liều cao calcitonin...
Dấu hiệu nhận biết hạ canxi
Hạ canxi khởi đầu bằng các triệu chứng: tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân. Sau đó là sự co cơ khắp cơ thể. Co thắt các cơ ở tay tạo ra dấu hiệu "bàn tay đỡ đẻ" (các ngón tay không xòe ra được). Co thắt các cơ ở chân tạo ra "dấu bàn đạp" (bàn chân duỗi ra như thể đang đạp xe đạp).
Hạ canxi cũng đồng thời làm co thắt các cơ vùng mặt và các cơ toàn thân gây đau đớn; co thắt các cơ hô hấp gây khó thở. Trong những trường hợp nặng hơn có thể gây co giật toàn thân hoặc khu trú.
Thông thường cơn hạ canxi cần có những kích thích mới biểu hiện rõ, ví dụ như cãi nhau, tức giận, buồn bã, căng thẳng, mệt mỏi hoặc cảm sốt...
Sơ cứu người bị hạ canxi máu
Khi gặp trường hợp bị hạ canxi máu, đầu tiên người xung quanh phải thật bình tĩnh, đỡ bệnh nhân rồi đưa vào chỗ mát để nghỉ ngơi. Vỗ nhẹ 2 bên má bệnh nhân để giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Nếu ngất lâu hãy thử ấn huyệt nhân trung (ở giữa mũi và miệng).
Kiểm tra trong đồ đạc bệnh nhân nếu có mang theo canxi viên dạng sủi thì pha 1 viên vào 1 cốc nước, đợi thuốc tan hết thì cho bệnh nhân uống. Nếu 2 hàm răng bệnh nhân cứng lại không mở ra được thì bắt buộc phải dùng thìa bón vào miệng bệnh nhân, hoặc đánh thức cho bệnh nhân tỉnh để uống thuốc.
Sau đó, nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Nên ăn những thức ăn giàu canxi như cua, cá...
Làm thế nào để phòng tránh?
Thực hiện chế độ ăn đủ canxi bằng cách ăn nhiều tôm, cua, ốc, nghêu, sò, mực...; uống sữa và kết hợp với tắm nắng dưới ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để da tổng hợp vitamin D. Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên ăn các loại rau củ như lá mù tạc, cải thìa, đậu bắp, bông cải, bí xanh, rau bina và củ cải. Bổ sung quả sung khô, đậu trắng, đậu phộng, đậu đỏ và đậu xanh vào thực đơn hàng tuần của bạn. Uống sữa đậu nành và các loại sữa bò nguyên kem.
Nên ăn hải sản. Cá mòi, cá thu và các loại cá đóng hộp nguyên xương là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Bên cạnh đó, cố gắng ăn ít nhất 1 tuần 1 lần các món tôm nguyên vỏ, ốc, hến và các loại sò để bổ sung một lượng canxi đáng kể cho cơ thể và đừng quên cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.
BS. Đào Thị Nga
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42