Dấu hiệu thoái hóa khớp sớm
Khớp đau và phát ra những âm thanh lạo xạo, khó cử động có thể là dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp sớm.
Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.
Thoái hóa khớp thường xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên trong cơ thể, gần như mọi người ở độ tuổi 80 đều gặp phải. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát sớm ở người dưới 50 tuổi do nhiều nguyên nhân. Theo Tổ chức Viêm khớp Mỹ, bất cứ ai thường xuyên sử dụng khớp quá mức, như vận động viên, người có công việc đòi hỏi hoạt động thể chất nhiều, đều tăng nguy cơ thoái hóa khớp sớm.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, phổ biến ở cột sống, hông, đầu gối, cổ, vai, ngón tay và bàn tay. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp.
Đau khớp: Đây là triệu chứng phổ biến nhất do sụn trong khớp bị phá vỡ. Thiếu lớp đệm bảo vệ và không còn khả năng hấp thụ sốc do mất sụn khiến các đầu xương cọ xát vào nhau gây đau.
Cứng khớp: Sụn cung cấp lớp đệm trong các khớp, cho phép xương cử động thuận tiện với nhau. Khi sụn bị phá hủy, các khớp có thể cứng lại, nhất là vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau một thời gian không vận động. Người bệnh có thể cảm thấy áp lực tăng lên ở khớp và khó cử động.
Khớp kêu lạo xạo: Âm thanh lạo xạo, lộc cộc khi chuyển động khớp xảy ra do độ cứng khớp tăng lên, thậm chí có thể có tiếng bốp lớn sau một thời gian không vận động.
Giảm phạm vi vận động: Thoái hóa khớp gây khó uốn cong hoặc duỗi hoàn toàn các bộ phận bị ảnh hưởng do cứng khớp và đau khi cử động.
Thoái hóa kéo dài và tiến triển có thể dẫn đến sưng tấy làm biến dạng các khớp và vùng cơ xung quanh khớp. Khi một bên cơ thể khó cử động, người bệnh thường sử dụng bên còn lại, dẫn đến yếu cơ ở bên bị ảnh hưởng do không sử dụng cơ. Nếu không vận động trong thời gian dài dễ gây teo cơ.
Thoái hóa khớp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tàn tật, người bệnh khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Chấn thương trực tiếp ở khớp, nhất là rách sụn chêm và dây chằng chéo trước ở đầu gối, là nguyên nhân làm tăng đáng kể nguy cơ thoái hóa khớp trong vòng 10 đến 20 năm sau chấn thương.
Thừa cân cũng làm tăng tải trọng và áp lực lên các khớp, nhất là đầu gối và hông. Nếu không có đủ sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ các khớp, tình trạng này có thể đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Các tế bào mỡ dư thừa còn làm tăng tình trạng viêm khắp cơ thể, góp phần gây thoái hoá khớp sớm.
Người bị khớp lệch có thể khiến tải trọng và ma sát phân bổ không đều trong các khớp, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp và mất sụn. Ngoài ra, yếu tố di truyền và giới tính cũng liên quan đến bệnh này. Phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới, mức độ đau khớp cũng nhiều hơn do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen, chủ yếu vào thời kỳ mãn kinh.
Không thể phòng ngừa hoàn toàn hay điều trị khỏi thoái hóa khớp, nhưng duy trì lối sống lành mạnh có thể làm chậm tiến trình thoái hóa, kiểm soát triệu chứng, hạn chế ảnh hưởng của bệnh đến sinh hoạt. Mọi người nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thường xuyên tập thể dục để tăng cường cơ bắp và nâng cao sự linh hoạt, dẻo dai cho các khớp.
Tuy nhiên, cần vận động phù hợp, tránh chấn thương khớp khi còn trẻ dẫn đến thoái hóa khớp sớm. Nếu bị chấn thương khớp, cần điều trị y tế kịp thời.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42