Bệnh nhân bất ngờ bị sán lá gan lớn chỉ vì một thói quen giống nhiều người
Bệnh nhân V.Đ.K (37 tuổi, ở Hà Nội) bị gout cấp đang uống thuốc điều trị sau khi đi kiểm tra sức khỏe đã tình cờ phát hiện mình bị sán lá gan lớn vì thói quen giống nhiều người.
Bệnh nhân V.Đ.K bị gout cấp đang uống thuốc điều trị vào kiểm tra sức khỏe định kỳ tại bệnh viện. Nhưng sau quá trình kiểm tra thấy một vài chỉ số bất thường. Theo lời kể, bệnh nhân có ăn rau sống vài lần nhưng ăn ít, bệnh nhân không đau mạn sườn phải và không sốt. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân kiểm tra xét sức khỏe định kỳ bệnh gout, làm các xét nghiệm và bất ngờ phát hiện trong người bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sán lá gan lớn.
Hình ảnh siêu âm tình cờ phát hiện tổn thương gan ở phân thùy VIII do sán lá gan và kết quả xét nghiệm có bất thường gồm: Kết quả tổng phân tích máu có công thức bạch cầu: Tỷ lệ % bạch cầu ái toan 51%, tức tăng rất cao (bình thường từ 2-11%). Xét nghiệm máu tìm sán lá gan lớn theo phương pháp ELISA cho kết quả kháng thể IgG: dương tính.
BS Ngọc khuyến cáo người nhiễm sán thường từ thói quen ăn sống nên mọi người cần phải thận trọng
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc – Chuyên khoa Gan mật (bệnh viện Đa khoa MEDLATEC) cho biết, bệnh sán lá gan lây chủ yếu qua đường ăn uống và tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh. Người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong,...), ăn các đồ chưa nấu chín như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Từ đó, sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp xe gan, phá hủy tế bào gan. Từ kết quả chẩn đoán mắc bệnh sán lá gan lớn, các bác sĩ đã có những biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần rút ngắn thời gian và mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Các bác sỹ cũng cho biết, có trường hợp bệnh nhân bị ổ áp xe gan quá lớn bị vỡ, phải mổ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong. Ngoài sán lá gan lớn, còn có sán lá gan nhỏ. Con đường để sán lá gan nhỏ đi vào cơ thể đó chính là thói quen ăn gỏi cá sống như cá mè, cá trắm, cá trôi… Khi nhiễm sán lá gan thường sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật… thậm chí gây ung thư đường mật.
Để phòng bệnh, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc khuyến cáo với người dân những biện pháp ngăn ngừa nhiễm sán lá gan như:
- Không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.
- Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.
- Định kỳ tẩy giun sán 6 tháng 1 lần.
- Khi có những dấu hiệu nghi ngờ cần làm xét nghiệm tìm sán lá gan lớn. Xét nghiệm tìm sán lá gan bằng phản ứng ELISA tuy đơn giản, nhưng cho kết quả chính xác. Bởi vì, khi sán xâm nhập nhu mô gan chúng tiết ra nhiều kháng nguyên nhất, 2 tuần sau bắt đầu xuất hiện kháng thể (IgG và IgE), nếu thực hiện phản ứng ELISA sẽ dương tính. Trên cơ sở này bác sỹ sẽ có hướng can thiệp kịp thời.
P.Thuận
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42