Báo động nhiều trẻ bị bệnh về mắt, cha mẹ lầm tưởng do nhìn theo bóng đèn
Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng, con không may bị lác do vị trí đặt bóng đèn điện trong nhà không đúng.
Theo thống kê của BV Mắt TƯ, Việt Nam có tới 2-3 triệu người lác, qua mỗi năm, số lượng trẻ em bị lác ngày càng tăng. Trong đó 70% các trường hợp trẻ bị lác có kèm theo dị tật khúc xạ.
Đáng tiếc, rất nhiều các trường hợp đều đưa đến BV khám khi đã muộn, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mĩ.
Nhìn bóng điện không gây lác
Bé Lê Hà Anh (7 tuổi, Tuyên Quang) được mẹ đưa xuống Hà Nội khám mắt do bị lác từ nhỏ. Mẹ bé cho rằng, con gái bị lác do lúc mới sinh hay liếc ngược bóng điện ở đầu giường, sau này càng lớn, mắt cháu càng lệch.
Chị Nguyễn Phương Thảo (30 tuổi, Tuyên Quang) cũng cho biết, lúc mới sinh, con gái chị là Trần Thị Nhung hoàn toàn bình thường. Tới khoảng 3 tuổi, mắt bé bắt đầu nhìn lệch sang một bên nhưng chị nghĩ do con hay nhìn theo hướng bóng điện nên không có ý định đưa đi khám.
Bác sĩ kiểm tra mắt cho bệnh nhi bị lác |
Đến khi gần 6 tuổi, bé Nhung nói mắt phải bị mờ, đến BV kiểm tra mới phát hiện bị lác, nguy cơ nhược thị rất lớn, bác sĩ có chỉ định mổ sớm để cân bằng điều tiết 2 mắt.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ, BV Mắt Hà Nội 2 khẳng định, quan niệm trẻ bị lác do liếc nhìn bóng điện là hoàn toàn sai lầm.
Trên thực tế, các nguyên nhân gây lác là do bẩm sinh, di truyền, liệt dây thần kinh mắt, dị dạng cơ, dị dạng hốc mắt do chấn thương, viêm...
PGS Đức Anh khuyến cáo, trong các trường hợp thấy con nhìn lệch trong hay ngoài, cần phải khám và điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh lác nếu khám muộn sẽ có nguy cơ cao gây nhược thị, là tình trạng giảm thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt, thậm chí mù vĩnh viễn.
Phẫu thuật chỉ mất 30 phút
“Việc phát hiện và điều trị muộn khi trẻ đã bị nhược thị sẽ rất khó khăn. Phẫu thuật ở giai đoạn muộn chỉ có thể giúp trẻ cân bằng 2 mắt, thị lực không được hồi phục tối ưu”, PGS Đức Anh nhấn mạnh.
Với các trường hợp bị lác ở trẻ em, bác sĩ sẽ phải khám cẩn thận, chẩn đoán hình thái, chức năng mắt, tuỳ từng mức độ sẽ có những chỉ định can thiệp phù hợp.
Hiện nay, tỉ lệ chữa được lác khá cao nếu điều trị sớm. Nếu trước 3 tuổi, tỉ lệ thành công lên tới trên 90%, 6 - 8 tuổi trên 60%. Ở người trưởng thành, phẫu thuật lác chỉ có tác dụng thiên về thẩm mĩ.
Với hầu hết các ca lác, phải có phác đồ điều trị riêng gồm 3 bước: Chỉnh thị, phẫu thuật điều trị lệch trục nhãn cầu và điều trị phục hồi thị giác.
Nếu trẻ bị tật khúc xạ sẽ được được đeo kính. Sau một thời gian kiểm tra thị lực, nếu mắt vẫn kém nghĩa là mắt đó bị nhược thị. Khi phát hiện sớm nhược thị, trẻ sẽ được tập luyện để hồi phục, sau đó mới phẫu thuật.
Tuy nhiên trong tập luyện nhược thị bằng phương pháp bịt mắt phải được sự chỉ định của bác sĩ do có thể bịt bằng thuốc, bằng vải, bằng kính, thường xuyên hay ngắt quãng.
Ngoài ra có thể kích thích mắt kém bằng phương pháp trộn gạo với lúa để trẻ nhặt, xâu chuỗi hạt cườm, tập vẽ, tập viết...
PGS Đức Anh cho biết, phẫu thuật lác thực chất là điều chỉnh các cơ vận nhãn, đưa 2 mắt về thẳng trục. Phẫu thuật này rất đơn giản, hoàn tất trong khoảng 30 phút.
Các biến chứng do mổ có thể có như tụ máu gây đỏ mắt, sưng phù kết mạc có thể điều trị hết mà không để lại di chứng.
Thúy Hạnh (Vietnamnet)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42