Tiêm chất làm đầy, filler, đừng biến làm đẹp thành thảm họa chết người!
Các chuyên gia trong lĩnh vực tạo hình - thẩm mỹ tại TP.HCM đã liên tục cảnh báo các biến chứng do làm đẹp sai cách. Mới đây, BV. Trưng Vương đã tiếp nhận điều trị hai ca mù mắt và hoại tử da mũi vì làm tiêm chất làm đầy (filler) để nâng mũi. PV Báo Sức khỏe Đời sống Cuối tuần đã trao đổi nhanh với PGS.TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ (BV. Trưng Vương) thêm thông tin về chất làm đầy và các biến chứng của nó.
Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã tiếp nhận một số ca biến chứng do chất làm đầy. Đầu tiên là một cô người mẫu ảnh 24 tuổi đã bị hoại tử da mũi do làm đẹp không đúng cách. Bệnh nhân này đã từng trải qua phẫu thuật nâng mũi ở một cơ sở thẩm mỹ, sau đó do bị nhiễm trùng nên buộc phải lấy sống mũi ra. Chưa tới một tháng, bệnh nhân đã đến một cơ sở thẩm mỹ khác để tiêm filler nâng mũi.
Một trường hợp nặng hơn, từ khi nhập viện, sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân nữ đáp ứng rất kém và nguy cơ mù lòa vĩnh viễn mắt trái rất cao vì chất làm đầy đã gây tắc động mạch mắt. Bệnh nhân 30 tuổi này đã được tiêm chất làm đầy da MISSFILL (Hyaluronic Acide + Lidocaine 2%) để nâng mũi.
Điều đáng nói, một bệnh nhân không rõ chất làm đầy đưa vào cơ thể mình là loại gì. Một bệnh nhân khác lại sử dụng sản phẩm MISSFILL mà visa lưu hành của thuốc trên thị trường Việt Nam chưa có. Hơn thế nữa, bệnh nhân đã đến một cơ sở thẩm mỹ trong một chung cư nào đó tại quận 4 để tiêm MISSFILL. Chúng tôi cũng không chắc thành phần của sản phẩm này có thật là Hyaluronic Acide hay không, hoặc ngoài Hyaluronic Acide còn thành phần gì khác.
Tiêm chất làm đầy gây nguy hiểm như thế nào?
Đối với tiêm chất làm đầy, những vùng nguy hiểm nhất là vùng rãnh gian mày, vùng mũi và nếp mũi má. Đặc biệt, đối với vùng mũi, nếu bác sĩ chưa có kinh nghiệm, tôi cho rằng nên hạn chế tiêm ở vùng này, nhất là trên những bệnh nhân đã có can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật trước đó ở mũi. Đây là một trong những chống chỉ định của tiêm chất làm đầy. Khi chúng ta đã có can thiệp thủ thuật, phẫu thuật, đường đi của các mạch máu ở vùng mũi sẽ thay đổi, chúng ta không thể kiểm soát được liệu rằng chúng ta có tiêm filler vào mạch máu hay không.
Như trường hợp bệnh nhân 24 tuổi nói trên đã từng đặt và lấy sống mũi ra 2 lần; chưa tới 1 tháng sau, bệnh nhân đã đi tiêm chất làm đầy. Bệnh nhân này là điển hình của một biến chứng tắc mạch. Nhưng may mắn, bệnh nhân chỉ bị tắc mạch tại chỗ lan tỏa vùng mũi, rãnh chân mày cũng có chút ít dấu hiệu của tắc mạch vùng trán, nhưng không lan rộng ra vùng mắt.
Có vẻ như, biến chứng tiêm chất làm đầy có tỉ lệ rất cao và nguy hại đến cả tính mạng của người sử dụng?
Hiện nay, tràn lan cơ sở spa hay thẩm mỹ viện chăm sóc da chính là những nơi đã thực hiện các thủ thuật làm đẹp vượt quá khả năng cho phép, quá phạm vi hoạt động của mình. Ví dụ như, những cơ sở này chỉ được phép làm các thủ thuật không xâm lấn như massage, sử dụng các loại kem dưỡng da… Tuy nhiên, tại những nơi này, người ta tiến hành cả tiêm chất làm đầy - một thủ thuật xâm lấn. Tiêm chất làm đầy thấy có vẻ đơn giản nhưng thực tế đây là thủ thuật đòi hỏi kinh nghiệm, tinh tế và khi tai biến xảy ra có thể đưa đến các hậu quả rất nặng nề, không thể hồi phục như tắc động mạch nuôi dưỡng mắt khiến cho mắt có nguy cơ mù lòa cao.
Bệnh nhân đã đi đến làm đẹp ở các cơ sở mà cho đến nay các cơ quan chức năng còn chưa xác định được cơ sở này đã được cấp phép làm spa hay chưa nữa. Sản phẩm filler chỉ là hàng xách tay chứ không phải là thuốc được cấp visa lưu hành ở thị trường Việt Nam. Tại các bệnh viện có khoa Tạo hình Thẩm mỹ, các bác sĩ chỉ sử dụng các sản phẩm hoặc thuốc có visa lưu hành nhằm đảm bảo an toàn. Còn hàng xách tay như thế này thật sự chúng ta không biết chất lượng như thế nào.
Ngoài không phân rõ nguồn gốc, thành phần thuốc, biến chứng còn phụ thuộc vào chỉ định sử dụng filler như thế nào. Chính vì con người không có năng lực đưa đến các chỉ định sai lầm, sử dụng thuốc không đúng. Những bác sĩ được đào tạo sẽ có những chọn lựa chất làm đầy đưa ra các chỉ định phù hợp cũng như được đào tạo các kỹ thuật tiêm chích an toàn, giảm biến chứng.
Các khách hàng thẩm mỹ làm cách nào để có thể làm đẹp an toàn và hiệu quả làm đẹp đạt được kết quả tốt hơn?
Hơn thế nữa, hiện tồn tại tình trạng rối loạn tại những cơ sở như thế này, con người không được đào tạo. Công chúng có thể tưởng tượng, khách hàng đi làm đẹp bước vào một cái chung cư, vào một cơ sở không có giấy phép hoạt động, nằm lên một cái giường hay thậm chí chỉ là một cái ghế, rồi để một người không phải là bác sĩ tiêm một chất nào đó vào cơ thể. Chúng ta khoan hãy nói các biến chứng, chỉ đề cập đến vấn đề vô trùng, lây lan các bệnh nhiễm. Ngoài ra, những nhân viên ở đó không được đào tạo, kỹ thuật tiêm có đúng hay không.
Do vậy, đi thực hiện các thủ thuật hay phẫu thuật thẩm mỹ, tự bản thân cần phải biết:
- Cơ sở đó có được cấp phép hoạt động.
- Con người thực hiện các thủ thuật đó có đủ điều kiện về năng lực để thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật hay không.
- Thuốc đưa vào cơ thể mình là thuốc gì, thành phần ra sao.
Hiện nay thị trường Việt Nam có bao nhiêu sản phẩm chất làm đầy?
Chúng ta có rất nhiều chất làm đầy, nhưng duy nhất chỉ có chất làm đầy Hyaluronic Acide (HA) mà tự nhiên bản thân cơ thể đã có chất này. Thông thường, mô da của chúng ta có HA để giữ da tươi trẻ, luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Do quá trình lão hóa, chúng ta bắt đầu bổ sung HA vào để cải thiện làn da. Và cho tới hiện nay, duy nhất chất làm đầy HA có chất đối kháng, Hyaluronidase, giúp phân giải ngay trong điều trị các biến chứng như tắc mạch. Nếu bệnh nhân tiêm các chất làm đầy khác, chúng ta khó thể can thiệp được một cách dễ dàng như vậy.
Hiện nay, theo như tôi được biết, trong các khoa thẩm mỹ như BV. Trưng Vương, 10 chất làm đầy có visa lưu hành đang được sử dụng. Chất làm đầy được sử dụng với nhiều mục đích: tạo hình một vùng nào đó (ví dụ như làm đầy vùng mũi, vùng cằm); làm mất đi những nếp nhăn; làm sáng da. Tùy từng loại có những chỉ định riêng. Nếu không được đào tạo chuyên ngành, chỉ định sử dụng filler sai như filler làm sáng da lại được sử dụng để nâng mũi, hiệu quả điều trị không cao và dễ dẫn đến các biến chứng.
AN QUÝ (thực hiện)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42