Xin đưa con về vì không tiền chữa bạch hầu
Thuốc kháng bạch hầu không được bảo hiểm thanh toán, điều trị tốn hơn 40 triệu đồng nên mẹ bé Kpă H’Rớt xin đưa con về nhà.
Bé Kpă H’Rớt 4 tuổi ngày 6/11 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM do mắc bạch hầu có biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp. Hai bệnh nhi khác cùng ngụ buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai, nhập viện tháng 10 với H’Rớt, sức khỏe tiến triển tốt nên đã xuất viện.
Nhiều ngày qua, bố mẹ H’Rớt liên tục yêu cầu bác sĩ cho xuất viện vì chi phí tốn kém, gia đình không đủ sức chi trả. "Nhà không thể xoay xở được nữa", bố mẹ bé bày tỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết các bác sĩ phải thuyết phục gia đình bệnh nhân không bỏ cuộc chỉ vì thiếu tiền. Bệnh viện phải vận động các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ, thuyết phục gia đình điều trị tiếp cho bé.
Trước khi H’Rớt mắc bệnh, bà của bé và hai người hàng xóm đột ngột tử vong sau nhiều ngày sốt, mệt. Khi con triệu chứng tương tự, gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương và được chuyển xuống TP HCM.
Bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết khi biểu hiện nghi ngờ hoặc chẩn đoán mắc bạch hầu cần sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu kết hợp kháng sinh. Những ca bệnh nặng, có biến chứng phải kết hợp các giải pháp khác, chi phí khoảng 40 đến 70 triệu đồng.
Nhiều năm qua thuốc kháng độc tố bạch hầu trong nước đã ngưng sản xuất, nguồn hàng chủ yếu nhập từ nước ngoài với chi phí hơn 2 triệu đồng mỗi lọ. Một bệnh nhân thường sử dụng khoảng 10 lọ thuốc, người bệnh nặng cần nhiều hơn. Tiền thuốc này chiếm khoảng 1/2 tổng chi phí điều trị. Thuốc kháng độc tố bạch hầu hiện không được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh tự thanh toán.
Thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm phải thông qua đấu thầu tập trung. Nhu cầu thuốc kháng bạch hầu ít, thuốc có thời hạn sử dụng 12-24 tháng, nhiều năm bệnh viện không có ca bệnh nên không dùng. Vì vậy khi bệnh viện mời thầu, không có đơn vị tham gia dự thầu. Hai năm nay bệnh nhân nhiều, bệnh viện phải mua trực tiếp không qua đấu thầu để chữa cho bệnh nhân nên bảo hiểm từ chối thanh toán.
Từ tháng 8 đến nay, bệnh bạch hầu xuất hiện tại nhiều địa phương cả nước như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk... Trong 4 ca bệnh nặng được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới gần đây, có một trường hợp tử vong.Khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu xuất hiện nhiều tại những vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn ở miền Trung, Tây Nguyên. "Thời điểm này năm ngoái, chúng tôi đã giải thích can ngăn rất nhiều nhưng gia đình của một bệnh nhân bạch hầu kiên quyết xuất viện vì hết tiền chữa trị, vừa rời khỏi cổng viện thì bệnh nhi rối loạn nhịp, tử vong", bác sĩ Quí nhớ lại.
Theo bác sĩ Quí, bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Nếu người bệnh ngưng điều trị giữa chừng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Triệu chứng ban đầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau... nên dễ nhầm với cảm. Trong 1-2 ngày sau bệnh nhân sẽ xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng, là dấu hiệu đặc trưng của bạch hầu. Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, nặng thì hôn mê sau đó tử vong. Một số trường hợp biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch. Phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắcxin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc 2, 3, 4 tháng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Lê Phương
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42