Trẻ 2 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi nhai 3 viên thuốc ngủ
Hiện tượng ngộ độc do uống, nhai nhầm thuốc tây ở trẻ em rất phổ biến. Gần đây là trường hợp bé 2 tuổi được chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn do nghịch và nhai thuốc ngủ Rotunda.
Bé V. 2 tuổi (ở Hoài Đức, Hà Nội) bị ngộ độc thuốc ngủ Rotunda, được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Xanh Pôn lúc 18h30 ngày 30/6/2019 trong tình trạng ngủ mê mệt. Theo gia đình, cháu đã nghịch vỉ thuốc, lấy 3 viên nhét vào miệng và nhai.
Bác sĩ khuyến cáo, tất cả các loại thuốc không được để trong tầm với của trẻ, đặc biệt là các loại thuốc an thần. Ảnh minh họa.
Khi gia đình phát hiện ra thì cháu đã ngủ li bì và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Huyện Hoài Đức, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Xanh Pôn. Các bác sĩ lập tức rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và truyền dịch cho cháu. Sau khi được điều trị tích cực, cháu ổn định và ra viện ngay ngày hôm sau.
BS. Cao Thu Quế - Khoa cấp cứu, BV Xanh Pôn, người tiếp nhận cháu bé cho biết: “Việc ngộ độc do uống nhầm thuốc dễ xảy ra bởi có nhiều loại thuốc có những màu sắc bắt mắt khiến trẻ dễ nhầm là kẹo. Trong khi đó không ít phụ huynh lại thiếu kiến thức hoặc chủ quan để thuốc trong tầm với của trẻ, đặc biệt là các loại thuốc an thần".
"Nếu trẻ uống nhầm thuốc thì vô cùng nguy hiểm, có thể gây rối loạn nhịp tim. Hơn nữa hệ thống thần kinh của trẻ đang hoàn thiện, việc uống nhầm thuốc có thể gây tình trạng hôn mê sâu dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời” – BS. Quế cho biết thêm.
Xử lý khi phát hiện trẻ uống nhầm thuốc
Theo các bác sĩ, việc đầu tiên khi bắt gặp người uống nhầm thuốc là cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Cần tìm hiểu xem trẻ đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu vì mỗi loại thuốc sẽ có những biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau.
Việc cần làm tiếp theo là ngăn chặn việc hấp thụ thuốc bằng cách móc họng gây nôn để nôn một phần số thuốc đã uống vào ra ngoài. Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào vào đường thở (khí quản), tuyệt đối không đặt trẻ ở tư thế nằm. Sau đó nhanh chóng gây nôn cho bằng cách móc họng. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc.
Việc sơ cứu ban đầu này rất quan trọng vì quãng đường từ nhà đến bệnh viện phải mất một thời gian, nếu để lâu sẽ càng gây tác hại. Bởi vậy, sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc trẻ uống nhầm hoặc dịch nôn để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Để tránh trường hợp trẻ uống nhầm thuốc tây, cha mẹ cần để thuốc xa tầm tay trẻ em, đựng thuốc trong các lọ có nắp đậy kín, không để lẫn chai lọ hóa chất với chai nước uống, tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi cho trẻ uống thuốc.
Đặc biệt, cần trông chừng trẻ nhỏ cẩn thận, dạy trẻ không nghịch hay ăn thuốc bừa bãi.
Q.Giang
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42