Trầm cảm sau sinh ở đàn ông
Gary 38 tuổi, từng có ý định ly hôn, tự tử do trầm cảm sau khi sinh con trai đầu lòng.
Anh chia sẻ đã quen với tình trạng mỗi ngày trôi qua đều nghẹt thở, khó khăn từ khi con trai chào đời năm 2016. Anh chỉ phát hiện mình mắc bệnh tâm lý khi một người bạn nói tâm trạng anh thay đổi quá nhiều.
Cơn trầm cảm của Gary nghiêm trọng hơn khi vợ anh cũng bị trầm cảm, lại không biết chồng đang mắc bệnh. Hai vợ chồng thường xuyên thiếu ngủ, hay xảy ra cãi vã do bất đồng quan điểm. Hơn thế, phải giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công việc ngoài giờ làm khiến anh căng thẳng tột độ, không lối thoát. Gary kể từng có ý định ly hôn, tự tử.
Gary đã được điều trị tâm lý sau khi được chẩn đoán bị trầm cảm sau sinh.
"Cuộc sống hôn nhân và gia đình của tôi hiện vẫn chưa thật sự hoàn hảo, nhưng nhìn chung quá trình trị liệu tâm lý giúp tôi giải tỏa rất nhiều", Gary chia sẻ. "Tôi yên tâm hơn khi biết mình có một bác sĩ hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn".
Trầm cảm sau sinh ở đàn ông nghiêm trọng nhất từ ba đến sáu tháng sau khi có con. Ảnh: Shutterstock
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Advanced Nursing năm 2003 chỉ ra khoảng 50% đàn ông bị trầm cảm sau sinh song song với vợ. Một nghiên cứu khác trên Tạp chí The American Medical Association (JAMA) năm 2010, 10,4% các ông bố có biểu hiện trầm cảm trong giai đoạn từ ba tháng đầu thai kỳ đến khi đứa con tròn một tuổi. Tiến sĩ Sanveen Kang, nhà tâm lý học lâm sàng chính tại Psych Connect, Singapore, cho biết không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng có thể bị trầm cảm sau sinh, nhiều bằng chứng chứng minh triệu chứng bệnh ở đàn ông và phụ nữ tương đối giống nhau.
Năm 2018, tờ JAMA Paediatrics công bố kết quả nghiên cứu, 4,4% đàn ông lần đầu làm bố bị trầm cảm, tỷ lệ này ở phụ nữ là 5%.
Theo tiến sĩ Adrian Low Eng-ken, nhà tâm lý học làm việc tại Hong Kong, các triệu chứng trầm cảm sau sinh gồm sợ hãi, bối rối, bất lực, không chắc chắn về tương lai, né tránh cuộc sống gia đình, công việc và các tình huống xã hội, thiếu quyết đoán, tức giận, xung đột hôn nhân. Chứng bệnh cũng có thể làm thay đổi nội tiết tố nam.
Ông cho biết trầm cảm sau sinh ở đàn ông diễn biến nghiêm trọng nhất trong thời gian từ ba đến sáu tháng sau sinh. Khác với phụ nữ, các triệu chứng trầm cảm ở đàn ông thường không được chú ý.
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở đàn ông và phụ nữ gần giống nhau, gồm thay đổi trong quan hệ hôn nhân, những cảm xúc lẫn lộn, thiếu tự tin, chưa có khả năng làm cha, mẹ.
"Đây là những thay đổi rất lớn trong cuộc đời mỗi người", ông bổ sung. "Hơn thế, đàn ông thường cảm thấy có lỗi khi chứng kiến người bạn đời vất vả chăm con, cho con bú lúc 3h sáng, cơ thể thay đổi sau khi sinh".
Một số người rối loạn tâm lý do ghen tỵ vì vợ quan tâm đến con nhiều hơn, hoặc bởi vợ chồng kém thân mật. Nếu người vợ bị trầm cảm thì người chồng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Đàn ông trầm cảm có nguy cơ tự tử cao hơn phụ nữ. "Trầm cảm sau sinh ở đàn ông cần được quan tâm nhiều hơn", ông Adrian nói. Trầm cảm sau sinh khiến quan hệ giữa người đàn ông và vợ, con ngày càng căng thẳng. Những ông bố bị trầm cảm có xu hướng phạt con bằng cách đánh đập, ít tương tác với con một cách tích cực như hát, kể chuyện cho con nghe. Do bị bệnh không thể chăm sóc con chu đáo, sự phát triển và hành vi của trẻ có thể bị ảnh hưởng rất lâu sau khi người bố vượt qua cơn trầm cảm.
Lần đầu làm bố cần những kỹ năng quản lý cảm xúc và thời gian để dần làm quen. Theo ông, các ông bố nên đi khám đa khoa, chia sẻ suy nghĩ, lo lắng với một người đủ tin tưởng, tìm kiếm dịch vụ tư vấn hoặc tham gia cộng đồng hỗ trợ khi thấy bản thân có dấu hiệu trầm cảm. Bên cạnh đó, cần tự chăm sóc bản thân, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, vận động thường xuyên, dành thời gian cho các sở thích cá nhân. Các ông bố có thể gần gũi với con hơn bằng cách thay tã, tắm, hoặc chơi với con.
Gary kể lại cuộc chiến với cơn trầm cảm sau sinh của anh rất khó khăn. Căn bệnh làm thay đổi cái nhìn của anh với cuộc sống, gặp nhiều rắc rối trong công việc. Thay vì quyết định ly hôn, anh đã tham gia trị liệu để điều trị bệnh. Trạng thái tâm lý của anh đang tốt lên từng ngày.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Lê Hằng (Theo SCMP)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42