Thương cha mẹ bằng của ngon, vật lạ: Coi chừng! Chia sẻ
Không phải lúc nào bồi bổ cho cha mẹ bằng các món ngon, lạ, đắt đỏ… cũng hay, nhất là khi người cao tuổi thường mang trong mình đa bệnh lý
Vừa đến TP HCM thăm con được 2 ngày, ông T.T.B (68 tuổi; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã phải vào bệnh viện (BV) theo dõi sức khỏe. Ông bị lên cơn gút (gout) cấp, mệt nặng do tăng đường huyết sau bữa tiệc sinh nhật của con trai.
Thức ăn "đụng" bệnh lý
Theo ông B., trong 2 ngày thăm con, ông được đãi đủ món: Hải sản tươi sống con mới mua về từ chuyến du lịch rồi đủ món ngon, lạ trong tiệc sinh nhật, bánh kem; 2 phần yến chưng đường phèn... Tuy nhiên, ông lại có tình trạng axít uric cao và tiền sử đái tháo đường. Yếu tố sức khỏe, tuổi tác kết hợp với các bữa ăn nhiều đạm, đường liên tiếp đã gây họa cho ông.
Còn chị N.T.D (32 tuổi; quận 2, TP HCM) thì bối rối khi nấu cơm cho mẹ chồng lúc bà vào TP HCM trông cháu nhỏ. Bà ghét thịt bò, heo; chỉ thích ăn cá, ít cơm và nhiều món rau. Chị D. và chồng chiều ý bà nhưng nhiều người họ hàng "quở" là không biết thương mẹ, không cho mẹ ăn ngon. Nếu chị nấu nhiều món lạ thì mẹ nhất quyết không động đũa. Bị con ép mãi, người mẹ đành nói thật là mỗi lần uống sữa hay ăn nhiều thịt đỏ là bà bị rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Hớn, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Trưng Vương (TP HCM), lưu ý người lớn tuổi thường có tình trạng đa bệnh lý. Vì thế, trước khi có ý định bồi bổ hay mời cha mẹ món ăn lạ, hãy tìm hiểu kỹ. Ví dụ, người có bệnh gút thì phải kiêng bớt đạm, người mắc đái tháo đường mà ăn nhiều món ngọt như chè, bánh, kẹo… sẽ nguy hiểm...
BS Bùi Thị Thu Hoài, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Đa khoa Sài Gòn, phân tích ở người lớn tuổi, các hoạt động chuyển hóa, cơ chế dung nạp thức ăn… cũng thay đổi nhiều so với thời trẻ. Cho dù chưa bệnh, họ cũng nên hạn chế đường, chất béo, món ăn mặn, rượu, bia… vì những thứ này dễ gây tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác, máu nhiễm mỡ, đái tháo đường…
Những người bị bồi bổ quá đà bằng các món giàu đạm như yến, hải sản, thịt bò… lâu ngày có thể dẫn đến bệnh thận do thận phải làm việc quá nhiều để chuyển hóa protein; luôn đầy bụng, khó tiêu do enzyme đường tiêu hóa không đủ để đáp ứng; loãng xương do protein dư thừa gây khử canxi ở xương…
Ăn ngon = đa dạng + dễ tiêu hóa
Theo BS Huỳnh Ngọc Hớn, cách tốt nhất để giúp người lớn tuổi trong nhà được ăn ngon là hãy cố gắng chế biến bữa ăn đa dạng, đầy đủ các nhóm chất theo tháp dinh dưỡng. Với người lớn tuổi khỏe mạnh, chỉ cần ăn cân bằng là đủ. Với người có bệnh, cần tiết chế các nhóm thực phẩm mà BS yêu cầu.
BS Bùi Thị Thu Hoài nhấn mạnh người lớn tuổi nên chọn những thực phẩm dễ hấp thu, không quá nặng nề với đường tiêu hóa. Người lớn tuổi nên ăn ít hơn so với thời trẻ và bữa tối nên ăn trước 19 giờ. Nên duy trì thói quen vận động, tập thể dục hằng ngày để quá trình dung nạp, chuyển hóa thức ăn được tốt hơn, làm chậm quá trình lão hóa và đẩy lùi bệnh tật.
"Với nhóm chất đạm, người cao tuổi nên giảm thịt, tăng cường cá. Ngoài ra, nên tăng cường rau xanh, ăn nhiều trái cây như cam, bưởi, dưa hấu, đu đủ… Các trái cây này cung cấp nhiều vitamin A, C, giúp tăng cường sức đề kháng. Uống nước đủ để thận hoạt động tốt và giảm các nguy cơ về táo bón. Uống sữa mỗi ngày để phòng loãng xương ở người cao tuổi" - BS Thu Hoài khuyên.
Trong trường hợp cha mẹ có vấn đề về dung nạp một loại thức ăn nào đó, ví dụ mẹ chồng chị D. hay rối loạn tiêu hóa khi ăn tất cả các loại thịt đỏ và sữa, các chuyên gia khuyên hãy đưa họ đến BS để xác định nguyên nhân, tìm thực phẩm khác bổ sung hoặc bổ sung bằng thuốc.
BS Huỳnh Ngọc Hớn khuyến cáo rằng điều quan trọng nhất trong dinh dưỡng của người cao tuổi là phải hợp với thể trạng lúc đó. Việc bồi bổ, tăng cường các thực phẩm giàu năng lượng là cần thiết với người đang suy kiệt, mới bệnh dậy. Tuy nhiên, nên kiểm soát ở mức độ vừa phải và hỏi ý kiến BS ngay nếu cha mẹ có dấu hiệu "không hạp" một loại thức ăn hay một kiểu ăn uống nào đó.
Người cao tuổi dễ dị ứng
BS Bùi Thị Thu Hoài phân tích: Người cao tuổi có sự lão hóa hệ thống miễn dịch, gây ra những thay đổi đặc hiệu trong các loại tế bào khác nhau của hệ thống miễn dịch, làm giảm hiệu lực cơ chế tự điều chỉnh miễn dịch của cơ thể, gây rối loạn điều hòa các chức năng. Do đó, người cao tuổi có phần dễ dị ứng hơn người trẻ khi ăn thực phẩm lạ. Triệu chứng phổ biến là ngứa, chảy mũi, buồn nôn…, khá dễ nhầm lẫn với bệnh khác hoặc phản ứng phụ của thuốc. Tốt nhất khi mời cha mẹ món lạ, không nên để họ ăn quá nhiều và thấy có gì bất thường là phải đến BS ngay.
Theo Trịnh Thiệp - Anh Thư - Người lao động
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42