Thiếu nữ 19 tuổi 'bế' khối u khổng lồ, nặng hơn 50 kg
Cô gái 19 tuổi có vóc dáng của đứa bé khoảng 10 tuổi, phải mang trên người khối u nặng hơn 50 kg.
BS Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết ông gặp nhiều bệnh nhân phải mang khối u khổng lồ và đã điều trị thành công.
Trường hợp bác sĩ Tiến mới gặp là cô gái 19 tuổi. Bệnh nhân được người mẹ làm nghề bán vé số đưa đến bệnh viện sau khi đã "gõ cửa" nhiều nơi nhưng không được tiếp nhận, điều trị.
“Có lẽ đây là trường hợp ám ảnh tôi đến cuối đời về sự khốn cùng và nỗi bất hạnh vì bệnh tật một con người có thể chịu đựng. Khối u khổng lồ 40 kg mà tôi đã mổ năm 2016 thật sự quá bé so với trường hợp này. Cô gái 19 tuổi có vóc dáng của đứa bé khoảng 10 tuổi, phải mang trên người khối u nặng hơn 50 kg", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Hình ảnh khối u của bệnh nhân. Ảnh: K.Chi/Infonet.
Bệnh nhân chỉ thấy cái bụng, phải cong ưỡn hết người ra sau mới cân bằng và di chuyển được.
Bác sĩ hỏi vì sao để u phát triển, bệnh nhân sụt sùi, nói nhà quá nghèo, không có tiền, phải đi bán vé số lây lất qua ngày. "Em ấy đi nhiều bệnh viện lớn trong thành phố nhưng không nơi nào nhận điều trị vì nói đây là bệnh bẩm sinh. Đến khi bệnh nhân chịu không nổi, người nhà mới đưa vào đây”, bác sĩ Tiến kể.
Các bác sĩ cho làm tất cả xét nghiệm, lên mạng dò tìm bệnh lý, thậm chí gửi email ra nước ngoài hỏi các giáo sư hàng đầu và hội chẩn các bệnh viện lớn tại TP.HCM, nhưng vẫn chưa tìm ra phương án điều trị .
Bác sĩ Tiến cho biết nhìn bệnh nhân ai cũng thương. Các bác sĩ quyết tâm không thể đứng nhìn cô gái dần dần ra đi vì khối bướu khổng lồ chèn ép tim phổi. Sau khi hội chẩn liên khoa, phương án phẫu thuật nhiều lần được đề xuất.
“Rút giải áp mỗi ngày 2-3 lít dịch, sau một tuần sẽ tiến hành mổ, mỗi lần, chúng tôi chỉ dám lấy 1/4 khối lượng dịch và bướu trong ổ bụng. Sau vài lần mổ, khi đánh giá an toàn, chúng tôi sẽ mổ lớn và mới biết bệnh lý gì sau khi quan sát toàn bộ ở bụng”, bác sĩ Tiến cho hay.
Ông cũng cho biết ở nước ngoài, hiếm khi gặp ca bướu to vì người dân được khám sức khỏe định kỳ và phát hiện sớm, điều trị triệt để từ đầu. Còn ở khoa Ngoại 1, các bác sĩ thường xuyên gặp những ca bướu to, thậm chí khổng lồ.
Lý do để bướu khổng lồ là người dân không có điều kiện kinh tế, thiếu hiểu. “Nhiều bệnh nhân không có tiền đi khám, không biết như vậy là bệnh để khám, không biết đi đâu để khám, không có ai tư vấn để điều trị, nên về uống thuốc nam thuốc bắc hay bỏ mặc bệnh đến đâu hay đến đó”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo Khánh Chi / Infonet
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42