Thí nghiệm mang thai khiến 6 em bé chết trước khi chào đời
Nghiên cứu "có nên kéo dài thai kỳ sau 40 tuần hay không" đã bị các nhà khoa học hủy bỏ bởi khiến 6 thai nhi tử vong.
Nghiên cứu mang tên Swepis, bị dừng lại một năm trước đây, song thông tin này không được công khai. Nhóm nghiên cứu đã từ chối công bố kết quả hoặc trả lời trước báo giới. Ngày 24/10, dữ liệu trong luận án tiến sĩ của một nhà nghiên cứu trong nhóm được đăng tải trên trang web của Đại học Gothenburg. Khi ấy, người ta mới biết 6 thai nhi đã tử vong trong quá trình tiến hành thí nghiệm.
Thí nghiệm này xuất phát từ thực tế đến nay y học chưa có nghiên cứu chính thức về nguy cơ cho bà bầu tiếp tục mang thai sau tuần thứ 40. Các nhà khoa học cho rằng thai kỳ kéo dài hơn 41 tuần sẽ ảnh hưởng xấu đến cả người mẹ và em bé. Đây là lý do nhóm nhà khoa học tiến hành nghiên cứu Swepis.
Nghiên cứu được thực hiện với 10.000 phụ nữ tại 14 bệnh viện ở Gothenburg. Các bà bầu ở tuần 40 của thai kỳ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, với lần chuyển dạ vào tuần thứ 42 hoặc 43. Kết quả cho thấy không có ca tử vong nào đối với nhóm sản phụ chuyển dạ vào tuần thứ 42. Tuy nhiên, 6 thai nhi đã chết ở nhóm bà bầu sinh vào đầu tuần thứ 43 thai kỳ.
Dù ngưng giữa chừng, theo nhóm nhà khoa học, kết quả của thí nghiệm "có thể làm thay đổi các tài liệu y khoa liên quan đến việc tiếp tục mang thai sau tuần 41".
Một em bé chào đời được mẹ ấp da kề da. Ảnh: Guardian. |
Malin Asp, Chủ tịch Quỹ Tử vong ở trẻ sơ sinh Thụy Điển, nhận định dù nhóm nhà khoa học đã chấm dứt thí nghiệm, "không công khai kết quả nghiên cứu vẫn là một việc làm vô đạo đức".
Ngày 24/10, Bệnh viện Sahlgrenska tuyên bố sẽ thay đổi chính sách quản lý thai kỳ dựa trên kết quả của thí nghiệm Swepis.
Tổ chức Từ thiện Quốc gia Thụy Điển hỗ trợ những cha mẹ mất con và kêu gọi các bệnh viện khẩn trương điều chỉnh chính sách.
Jan Jaap Erwich, Giáo sư Khoa sản tại Đại học Groningen, Hà Lan, cho biết nghiên cứu Swepis được coi như nỗ lực cuối cùng trong việc xác định những rủi ro của việc chậm sinh.
Thục Linh (Theo Guardian)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42