Sỏi bàng quang to bằng quả trứng ở cụ bà 86 tuổi
Bà H. T. H., 86 tuổi, tỉnh Đồng Tháp được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 13 giờ 30 phút ngày 24/2/2021 với chẩn đoán: nhiễm trùng niệu, sỏi bàng quang còn sonde JJ đã bị đứt.
Bà H. được tán sỏi niệu quản trái qua nội soi cách đây 9 năm tại một bệnh viện ở TPHCM. Sau tán đặt sonde JJ và bác sĩ có dặn trở lại bệnh viện tái khám để rút thông sonde JJ.
Hình chụp CT 3D sỏi bàng quang và sonde JJ
Nhưng bệnh nhân “ngại" đi khám bệnh. Lâu dần, quên trong cơ thể vẫn còn 1 ống sonde và vẫn còn cuộc hẹn rút ống sonde với thầy thuốc.
Thời gian gần đây bà H. thường xuyên đau hạ vị, tiểu gắt, và mắc đái tháo đường týp 2 được 6 năm.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bà H. được chuyển đến Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu: còn sonde JJ niệu quản trái bị đứt đoạn ở vị trí bàng quang tạo thành sỏi to bàng quang kích thước lớn #52x34mm và phần đầu trên ống thông có sỏi nhỏ bám.
Sỏi bàng quang và ống sonde JJ được lấy ra khi phẫu thuật
Ngày 1/3/2021, ê kíp BS.CKII Nguyễn Phước Lộc – Trưởng khoa Ngoại Thận – Tiết niệu; BS. Hoàng Duy Tân (Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu); BS. Lý Thị Băng Thanh (Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức) thực hiện phẫu thuật lấy thành công viên sỏi bàng quang kích thước 5x4x5cm có đầu sonde JJ nằm bên trong, thực hiện rút thành công sonde JJ.
Hiện nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, sinh tồn ổn định.
Theo BS.CK2 Nguyễn Phước Lộc: sonde JJ được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của nội soi tiết niệu, sonde JJ được đặt để dẫn lưu niệu quản trong nhiều trường hợp sau mổ sỏi đường tiết niệu, tán sỏi thận qua da, sau tán sỏi niệu quản qua nội soi....
Tuy nhiên, thời gian rút sonde do bác sĩ chỉ định và thời gian đặt sonde JJ lưu trong niệu quản tùy theo loại (thường có loại chỉ lưu được tối đa là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm).
Có trường hợp bệnh nhân được đặt JJ nhưng nhiều lý do khác nhau (bệnh nhân không đi tái khám, quên hoặc mất giấy ra viện..) nên ống thông bị “bỏ quên” trong cơ thể bệnh nhân nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Sự lắng đọng và sau đó quá trình tạo sỏi do sonde có thể gặp phải. Ngoài ra đứt gãy sonde là biến chứng có thể gặp phải, gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
Các bác sĩ khuyến cáo: những người bệnh khi được điều trị ở bệnh viện cần chú ý tuân thủ lời dặn của thầy thuốc và tái khám đúng hẹn. Không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân nhằm tránh các biến chứng đường tiết niệu do để ống thông quá lâu.
Phạm Phong. Ảnh: BVCC
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42