Những sai lầm cần tránh khi trẻ bị ho
Ho là phản xạ có lợi để bảo vệ đường thở được thông thoáng, giúp hít thở dễ dàng. Ho xuất hiện khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn, virus. Khi bị ho cho thấy cơ thể đang mắc các bệnh như cảm lạnh, dị ứng, hen suyễn, viêm phổi…
Nhiều cha mẹ lo lắng, thắc mắc nếu trẻ bị ho thì chăm sóc và xử trí tại nhà ra sao, trường hợp nào cần nhập viện?
1. Nguyên nhân gây ho ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ như: Nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus); do hít phải khói thuốc lá; viêm mũi dị ứng; do tiếp xúc với các chất kích thích; trào ngược dạ dày thực quản; ho do các bệnh về phổi: Bệnh phổi kẽ, ung thư phổi, giãn phế quản, viêm thanh quản, viêm màng phổi...; ho do các bệnh về tim: Suy tim, hẹp van hai lá, phình động mạch chủ...
2. Trẻ bị ho có thể chữa tại nhà không?
Có thể nói, ho là một phản xạ tốt, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng và tìm đủ mọi cách để kìm hãm phản xạ có lợi này. Mức độ ho nhiều hay ít của trẻ không phải lúc nào cũng song hành với mức độ nặng của bệnh. Trẻ có thể ho rất nhiều khi bị viêm hô hấp trên, nhưng thường đây không phải là các trường hợp bệnh nặng.
Khi mới xuất hiện triệu chứng ho nhẹ, nhưng trẻ vẫn chơi ngoan, tỉnh táo và ăn uống bình thường thì cha mẹ đừng nên lo lắng quá. Khi trẻ ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng trẻ vẫn ăn uống chơi đùa bình thường, không nôn ói thì cha mẹ có thể để trẻ ở nhà theo dõi và chăm sóc.
Ho xuất hiện khi cơ thể của trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus.
3. Cần làm gì khi trẻ ho?
Để chữa ho tại nhà, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng một số bài thuốc trị ho dân gian như: Tần dầy lá, tắc (quất) chưng đường, hoa hồng bạch, mật ong, gừng, nước trà ấm...
Cho trẻ uống nhiều nước ấm sẽ giúp đờm loãng ra, trẻ dễ chịu hơn, có thể giúp trẻ giảm ho. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên cho uống nước. Trẻ từ 6 - 12 tháng có thể cho uống mỗi lần 30ml, tối đa 4 lần/ ngày.
Cho trẻ uống các loại nước khác như: Nước táo, nước chanh ấm cũng có hiệu quả. Chỉ cần khoảng 5 - 15 ml/ngày, chia 4 lần/ngày khi trẻ ho.
Mật ong cũng có tác dụng làm giảm ho, có thể uống nguyên chất hoặc pha với nước ấm hay nước trái cây (tùy vào sở thích của trẻ). Mỗi lần 2.5 - 5ml, uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.
Bên cạnh đó, cần chia nhỏ các bữa ăn để giúp trẻ dễ tiêu và không bỏ bữa. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ nuốt. Cho trẻ nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, ít ánh sáng nhưng thoáng đãng và sạch sẽ.
Cha mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi. Nấu cháo, súp để trẻ dễ ăn hơn. Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên và ưu tiên sử dụng các thuốc thảo dược để làm giảm ho ở trẻ và tăng khả năng phòng ngừa đợt bệnh sau.
4. Áp dụng phương pháp vỗ lưng khi trẻ bị ho giúp bài tiết đờm
Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp phổi giãn nở tốt hơn, làm cho đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng hơn. Có thể vỗ lưng cho trẻ tốt nhất trước bữa ăn hoặc 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.
Thao tác khá đơn giản: Gập bàn tay của mẹ ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3 - 5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.
Cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ bị ho dữ dội kèm sốt cao.
5. Khi nào trẻ ho cần đi khám ngay?
Cần đưa đi bác sĩ khám ngay khi trẻ ho dữ dội, xuất hiện một cách đột ngột; Ho kèm sốt cao; Ho khạc đờm đặc, màu xanh - vàng, có mùi hôi; Ho ra máu, trẻ còn ho nhiều, không giảm sau 7 ngày chăm sóc.
Nếu ho kéo dài trên 10 - 14 ngày, ho kèm sụt cân, đổ mồ hôi về chiều, trẻ ho khi nhỏ hơn 3 tháng tuổi... cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, trẻ bú mẹ nếu trẻ ho bỏ bú - bú kém hoặc không uống được; Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, co giật, khó thở (trẻ thở nhanh hơn bình thường, thở co lõm lồng ngực - phần dưới lồng ngực lõm vào khi trẻ hít vào thay vì nở ra như bình thường)... cần cho trẻ nhập viện ngay để được các bác sĩ khám và điều trị.
6.Những sai lầm cần tránh khi áp dụng các cách trị ho cho trẻ
- Ủ ấm bé quá kỹ
Khi mặc quá ấm trẻ chạy nhảy sẽ ra mồ hôi, khiến cho lạnh ngược trở lại, dễ gây viêm phổi. Cha mẹ nên tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với giò lùa, nhưng không nên cho trẻ mặc 3 - 4 lớp áo và ở trong phòng kín.
Nếu trẻ ho hơi ấm sốt, mẹ nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát để nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh, mở cửa sổ thông thoáng để trao đổi không khí. Nhiều trẻ bị ho sau 1 - 2 ngày mới sốt, mẹ sẽ không phát hiện thấy triệu chứng sốt hay dấu hiệu khó thở nếu ủ ấm trẻ quá kỹ.
- Không chú ý vệ sinh mũi họng cho trẻ
Khi chăm sóc chữa ho cho trẻ, nhiều cha mẹ thường quên hoặc chủ quan không để ý đến vệ sinh mũi họng cho trẻ. Vì vậy, cần chú ý đến vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, để thông thoáng đường thở, giảm các triệu chứng ho, khò khè, nghẹt mũi, biến chứng lên tai giữa…
Nếu trẻ chưa biết chải răng, cha mẹ cần giúp trẻ lau vệ sinh vùng miệng lưỡi cho trẻ. Lau rửa mũi bằng khăn mềm, nếu có dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm, làm mềm gỉ mũi, nhẹ nhàng dùng tay day day mũi trẻ để gỉ mũi mềm và bong ra.
Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô, vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn, virus vẫn bám trên khăn.
Lưu ý, khi trẻ bị viêm mũi họng có thể dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ, nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Kiêng tắm cho trẻ
Phần lớn các cha mẹ đều nghĩ rằng khi trẻ nhỏ bị ốm, ho thì cần kiêng gió, kiêng nước để tránh bệnh trở nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, điều này chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ lâu khỏi bệnh hơn.
Khi trẻ bị ho vẫn nên tắm rửa thường xuyên cho trẻ. Nếu kiêng tắm, vệ sinh cá nhân kém, trẻ ngứa ngáy khó chịu sẽ dễ bị nổi mẩn, hăm, thậm chí gãi gây trầy xước và viêm da, càng khiến trẻ lâu khỏi bệnh hơn. Việc tắm rửa sạch sẽ giúp làm sạch mồ hôi, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và nhanh khỏi bệnh hơn.
Cần tắm nhanh cho trẻ bằng nước đủ ấm, không quá nóng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ nước tắm thích hợp là 33 - 35 độ C. Phòng trẻ tắm cần phải kín gió.
Chỉ nên tắm cho trẻ trong 5 - 6 phút, không tắm quá 7 phút. Tắm theo đúng trình tự gồm rửa mặt, mũi trước rồi mới tắm các bộ phận khác. Tuyệt đối không tắm cho trẻ vào buổi tối để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh dễn đến viêm phổi, viêm phế quản… Sau khi tắm xong, dùng khăn bông mềm lau khô người cho trẻ, rồi mặc quần áo đã chuẩn bị sẵn. Nên cho trẻ mặc các loại quần áo thoáng mát, tránh gây bí mồ hôi.
- Không chú ý vệ sinh không gian sống khi trẻ ho
Khói thuốc lá, bụi bặm, virus, vi khuẩn… bám trên các vật dụng hàng ngày có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị ho và ho lâu khỏi. Vì vậy, cần thường xuyên lau dọn, sát khuẩn đồ đạc và giữ không gian thông thoáng, sạch sẽ.
Nơi ở của trẻ cần đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt. Nếu sử dụng điều hòa, nên điều chỉnh chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời chỉ từ 5 - 7°C, để trẻ có thể thích ứng được.
Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch. Rửa sạch tay cho trẻ trước và sau khi ăn, sau đi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các đồ vật.
Để chữa ho tại nhà cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng một số bài thuốc trị ho dân gian.
- Tự mua thuốc ho cho trẻ
Nhiều cha mẹ thấy trẻ ho nên lo lắng, sợ tình trạng nặng hơn nên đã tự mua thuốc cho trẻ uống, điều này rất nguy hại với sức khỏe của trẻ. Chỉ nên sử dụng thuốc ho khi trẻ ho quá nhiều, làm trẻ khó chịu hay gây hậu quả xấu như: Trẻ đau ngực, mất ngủ, nôn ói... cần dùng thuốc ho phù hợp với lứa tuổi và phù hợp với tính chất ho của trẻ. Chính vì thế, dùng thuốc gì, liều lượng như thế nào cần có chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại: Trẻ bị ho do nhiều nguyên nhân, với trường hợp nhẹ có thể chữa tại nhà và chú ý chăm sóc đúng cách cho trẻ. Nếu thấy trẻ ho kéo dài, kèm theo các biểu hiện khác, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị đúng.
Để phòng bệnh, cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine như: Bạch hầu - ho gà - uốn ván, phế cầu, cúm…
Để đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt, cần phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: Ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở…. Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh cho đến lúc 2 tuổi, để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và có khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42