Nhiễm trùng huyết do cắt lể chữa đau cổ
Nam bệnh nhân 49 tuổi bị nhiễm khuẩn máu, nguy kịch sau một tuần cắt lể trị thoái hóa đốt sống cổ.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu ngày 23/10 vì sốt cao, vùng cổ và lưng cứng đơ đau nhức dữ dội. Bác sĩ phát hiện vùng sau cổ bệnh nhân có khối áp xe lớn, các xét nghiệm thấy nhiễm khuẩn máu nặng.
Bác sĩ Lê Thanh Nhàn, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Kết quả cấy máu tìm thấy vi khuẩn Staphylococcus aureus, còn gọi là tụ cầu vàng, đề kháng các kháng sinh thông thường. Đây là loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hay cắt lể, gây nhiễm khuẩn da, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết.
Sau một tuần nằm viện, điều trị tích cực bằng kháng sinh phù hợp, hiện vùng áp xe sau cổ bệnh nhân hết sưng và sức khỏe bắt đầu phục hồi. Gia đình cho biết anh bị thoái hóa đốt sống cổ khoảng 2 năm nay, điều trị nhiều nơi không khỏi. Trước khi nhập viện một tuần, vùng cổ đau nhức nhiều, nghĩ là trúng gió nên anh đi cắt lể nặn máu độc ra ngoài, sau đó bị nhiễm khuẩn.
Ở một số vùng, người dân cắt lể bằng cách véo lên chỗ da cần lể rồi dùng dao hoặc kim, mảnh thủy tinh rạch một vết nhỏ và nặn máu mủ ra. Cách chữa này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan, HIV, dễ gặp tai biến như nhiễm khuẩn do tụ cầu, uốn ván, chảy máu...Theo bác sĩ Nhàn, cắt lể, giác hơi hay giác lể mỗi khi đau nhức là cách điều trị dân gian dễ dẫn đến nhiễm trùng máu. Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn do công cụ cắt lể không vô khuẩn hoặc tiệt trùng không bảo đảm. Lúc đó vi khuẩn trực tiếp đi vào đường máu, gây nhiễm khuẩn huyết từ nhẹ đến nặng, có thể tạo thành sốc nhiễm khuẩn. Nếu bệnh nhân không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời sẽ sốt cao, nhiễm trùng, nhiễm độc, sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Nhàn khuyến cáo khi bệnh kéo dài và có biểu hiện nhiễm khuẩn như sưng, nóng đỏ, đau cơ thể, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Không nên đi cắt lể, khi vi khuẩn đã xâm nhập vào máu sẽ rất khó chữa trị.
Lê Phương
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42