Nam phi công tiếp tục tiến triển, đã tự ăn qua miệng, tự ngồi dậy
Bản tin lúc 6h ngày 19/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đến nay đã trải qua 64 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Bệnh nhân 91- nam phi công tiếp tục tiến triển, đã tự ăn qua miệng, tự xoay trở trên giường và tự ngồi dậy,
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 19/6: đã 64 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 19/6: Việt Nam có tổng cộng 202 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 18/6 đến 6h ngày 19/6: 0 ghi nhận ca mắc mới.
7 ca mắc gần nhất được Ban Chỉ đạo công bố chiều ngày 18/6 là những trường hợp trở về từ Kuwait, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 6.176, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 89
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.734
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 353
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 325/342 bệnh nhân (chiếm 95% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).
17 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế (cơ sở điều trị nhiều nhất hiện nay là bệnh viện Bà Rịa), đa số bệnh nhân có sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân giơ cao chiếc khăn có chữ "motherwell" khi chụp ảnh cùng PGS.TS Lương Ngọc Khu. Bệnh nhân nói lời cảm ơn các y bác sĩ Việt Nam đã tận tình cứu chữa. Ảnh: BVCC
Tính đến sáng ngày 19/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 13 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Bệnh nhân phi công tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, tiếp tục tập đứng với sự trợ giúp của nhân viên y tế.
Bệnh nhân cai thở máy ngày thứ 6, đã tự thở với ôxy hỗ trợ ở mức thấp 0,5 lít qua ống mũi, thở chậm hơn. Anh giao tiếp tốt bằng lời nói, tự ho khạc đàm qua miệng, sức cơ hai tay bình thường, sức cơ hai chân cải thiện 4/5.
Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng, chỉ cần dùng thuốc kháng nấm, giảm đau và kháng đông dự phòng huyết khối.
Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.Với những thông số này, bệnh nhân không cần phải ghép phổi
Tiểu ban điều trị đánh giá bệnh nhân còn cần thêm ít thời gian nữa để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.
Ngày 18/3, nam phi công phát hiện mắc COVID-19. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh, sau đó đột ngột trở nặng, có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải can thiệp ECMO từ ngày 6/4. Có thời điểm, phổi bệnh nhân như ổ nuôi dưỡng các loại vi khuẩn. Hiện bệnh nhân đã hồi phục diệu kỳ.
Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 91 ngày điều trị, là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta. Anh điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM 65 ngày. Khi hết SARS-CoV-2, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22/5. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO vào sáng 3/6, ngưng thở máy sáng 12/6.
Thái Bình
Link nguồn:
Theo Suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42