Một số lưu ý khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người bệnh máu ác tính
Người bệnh máu ác tính có tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 cao hơn so với người không mắc. Do đó cần ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 cho những bệnh nhân này. Dưới đây là một số lưu ý khi tiêm vaccine cho người bệnh...
Nguy cơ mắc và tử vong do COVID-19 ở người mắc bệnh máu ác tính
Các bệnh lý máu ác tính (u lympho, đa u tủy xương, hội chứng rối loạn sinh tủy, bạch cầu cấp…) là nhóm bệnh lý ác tính khá phổ biến ở nước ta.
Bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính có tỷ lệ nhiễm virus cao hơn và nhiễm virus nặng hơn, tiên lượng xấu hơn so với bệnh nhân mắc ung thư tạng đặc (ung thư vú, ung thư tuyến giáp…) và những người không bị ung thư.
Người bệnh máu ác tính nên tiêm vắc xin COVID-19 trước khi điều trị hóa chất.
Một số lưu ý khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người bệnh máu ác tính
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh lý kết hợp, đặc biệt bệnh máu ác tính, dữ liệu nghiên cứu còn thiếu. Các chuyên gia ở Hiệp hội Huyết học ở Úc và New Zealand cùng với các chuyên gia Truyền nhiễm đã tuyên bố đồng thuận liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính. Cần áp dụng những điều sau cho tất cả bệnh nhân:
1. Tỷ lệ tử vong cao hơn liên quan đến nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, cần ưu tiên tiêm chủng cho những bệnh nhân này và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân.
2. Bệnh nhân cần điều trị bệnh máu ác tính nên được tiêm vaccine trước khi điều trị hóa chất, liệu pháp miễn dịch (nếu có thể), nhưng không nên trì hoãn việc điều trị khẩn cấp (ví dụ điều trị ở bệnh nhân lơ xê mi cấp thể tiền tủy bào) để tiêm vaccine.
3. Việc tiêm chủng vaccine cần được thực hiện đúng thời điểm với mục đích đạt được sự bảo vệ tối ưu trong thời gian sớm nhất mà không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh. Nên hoàn thành việc tiêm phòng ít nhất 2 tuần trước khi điều trị ức chế miễn dịch.
4. Đối với bệnh nhân đang điều trị với các liệu pháp cho từng bệnh cụ thể, không nên ngừng điều trị trong thời gian tiêm chủng. Nên trì hoãn việc tiêm chủng ít nhất 3 tháng sau khi điều trị bằng các liệu pháp ảnh hưởng đến tế bào lympho B, ghép tế bào gốc tạo máu. Đối với nhóm bệnh nhân này, việc tiêm phòng cho những người thường xuyên tiếp xúc trong gia đình và nhân viên y tế chăm sóc họ là một biện pháp phòng ngừa cần thiết và hiệu quả.
5. Do khả năng giảm tính sinh miễn dịch khi tiêm vaccine COVID-19 ở những bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, đặc biệt là những người đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch, việc tiêm vaccine không nên thay thế các biện pháp khác để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19.
Cần đánh giá đáp ứng của bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin bằng xét nghiệm định tính, định lượng kháng thể của vi rút SARS-COV-2. Đây là xét nghiệm quan trọng, có ý nghĩa lâm sàng, đặc biệt ở những bệnh nhân đang điều trị để xác định những bệnh nhân không đạt đáp ứng miễn dịch bảo vệ phù hợp.
6. Sau khi tiêm chủng, bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính nên được khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế công cộng thông thường (ví dụ: đeo khẩu trang, cách ly xã hội, đảm bảo thông gió tốt trong nhà và vệ sinh tay,…) theo hướng dẫn quốc gia, từng vùng và từng khu vực.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02