Triệu chứng cảnh báo chảy máu não
Chảy máu não thường gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn và nôn, thay đổi thị lực, yếu ở một bên cơ thể.
Chảy máu trong não còn gọi là xuất huyết não do vỡ động mạch hoặc tĩnh mạch bởi áp lực bất thường, chấn thương và khiếm khuyết trong mạch máu. Xuất huyết não là nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến thứ hai sau tắc nghẽn mạch máu (thiếu máu não). Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của mạch máu, chảy máu não có thể ở mức từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng chảy máu não xảy ra là do áp lực tác động lên các mô não hoặc tổn thương gây ra cho các mô não khiến chảy máu, sưng não (phù não). Các triệu chứng gồm đau đầu, đau cổ hoặc lưng, cứng cổ, thay đổi tầm nhìn, nhạy cảm cao với ánh sáng, yếu một bên hoặc cả cơ thể. Nói lắp, buồn nôn, nôn ói, lú lẫn, co giật, hôn mê, mất ý thức cũng có thể cảnh báo xuất huyết não.
Các triệu chứng của chảy máu não có thể xấu đi nhanh chóng trong vài giờ hoặc vài ngày và là tình trạng nghiêm trọng cần cấp cứu.
Chảy máu não có thể dẫn đến mất máu đến các mô não khiến các tế bào não bị chết. Xuất huyết não có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các vùng não bị ảnh hưởng, dẫn đến tê liệt vĩnh viễn một phần cơ thể (thường là một bên), nói ngọng, mất khả năng nhận thức, động kinh. Trong một số trường hợp, chảy máu nội sọ làm não bị lệch sang một bên gây thêm áp lực lên não.
Chấn thương đầu có thể dẫn đến chảy máu não. Ảnh: Freepik
Nguyên nhân phổ biến gây chảy máu não gồm chấn thương đầu, phình động mạch bị vỡ, tắc nghẽn mạch máu trong não, khối u não, dị dạng động tĩnh mạch, bệnh lý mạch máu amyloid não. Bệnh này là sự tích tụ các protein trong thành động mạch não khiến chúng yếu đi, rò rỉ và bị vỡ.
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu não là chấn thương đầu, trên 75 tuổi, tăng huyết áp không kiểm soát được, sử dụng chất kích thích, bị rối loạn chảy máu, dùng thuốc chống đông máu.
Xuất huyết não thường được chẩn đoán bằng cách chụp cắt lớp vi tính (CT) nhằm xác định vị trí và kích thước của vết chảy máu, cục máu đông và vật cản bên trong mạch máu. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng được áp dụng để phát hiện những vết chảy máu nhỏ hơn mà CT đôi khi có thể bỏ sót. Các xét nghiệm khác giúp xác định nguyên nhân và bản chất của chảy máu để bác sĩ điều trị phù hợp như chụp động mạch não, chọc dò tủy sống, điện não đồ.
Các phương pháp điều trị chảy máu não thường là phẫu thuật, thuốc, phục hồi chức năng sau chảy máu não. Sau khi điều trị, người bệnh có thể cần vật lý trị liệu hoặc ngôn ngữ trị liệu. Nếu chảy máu nghiêm trọng, quá trình hồi phục có thể mất tới một năm và nhiều người chỉ hồi phục một phần.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02