Trẻ dưới 5 tuổi bị va đập vùng đầu có nên chụp CT?
Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ dưới 5 tuổi không nên chụp CT khi chấn thương vùng đầu, vì có thể gây ung thư não cho trẻ sau này.
Lo lắng chụp CT ảnh hưởng đến con
Chị T.V. (ngụ TP.HCM) cho biết trong quá trình đi du lịch, không may con chị dưới 5 tuổi khi vui chơi bị sợi dây xích đu va đập nặng vào đầu dẫn đến chảy máu.
Chị đã đưa con đến một bệnh viện thăm khám, sau khi xử lý vết thương, các bác sĩ đã đánh giá tình trạng và quyết định cho bé chụp CT để kiểm tra máu tụ ở não.
“Kết quả kiểm tra bé không có máu tụ. Tuy nhiên tôi rất lo lắng vì nghe thông tin trẻ dưới 5 tuổi không nên chụp CT vì tia phóng xạ nguy hiểm, nếu vết thương nhỏ không có triệu chứng gì thì không cần chụp CT.
Nếu chụp sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe như gây ung thư não sau này”, chị V. cho hay.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các bác sĩ đã lấy khối máu tụ to bằng quả cam trong não bé gái 4 tuổi bị té cầu thang. Bệnh nhi là bé P.N.M.T. (4 tuổi, Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng đau đầu, ói.
Người nhà cho biết trước nhập viện một ngày, trong lúc chơi ở nhà, bé không may bị ngã từ cầu thang xuống. Kiểm tra không thấy dấu hiệu bất thường nên người nhà không đưa bé đi khám ngay.
Tuy nhiên đến đêm bé bắt đầu kêu đau đầu, ói nên người nhà đưa bé đi bệnh viện. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện trong đầu bé có một khối máu tụ kích thước rất lớn gây chèn ép não và chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Bé T. may mắn được phát hiện và phẫu thuật kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên cũng không loại trừ nguy cơ sau này bé có thể bị ảnh hưởng thần kinh.
Bệnh nhi đã bị tổn thương não rất nặng sau chấn thương nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài. Điều này khiến người nhà chủ quan, các bác sĩ cũng có nguy cơ chẩn đoán sai.
Nếu không được phát hiện, bé có nguy cơ tổn thương thần kinh, yếu liệt tâm thần, hôn mê, nặng hơn là tử vong.
Tùy trường hợp trẻ bị chấn thương để chụp CT
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần - trưởng khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết liều chiếu xạ của 1 lần chụp CT scan tương đương khoảng 200 lần chụp X-quang.
Kể cả đối với người lớn, đây cũng là lượng phóng xạ cao và có khả năng làm tăng nguy cơ bị ung thư, vì vậy không có độ tuổi nào gọi là an toàn để chụp CT scan.
Đối với trẻ em, độ tuổi càng nhỏ, càng nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tia xạ để làm giảm tổng lượng phơi nhiễm phóng xạ trong suốt cuộc đời trẻ sau này.
Tuy nhiên đối với những trường hợp chấn thương đầu ở trẻ em, tuổi càng nhỏ càng khó đánh giá các triệu chứng như đau đầu hay rối loạn về tri giác, nhận thức, trí nhớ… nên vai trò của CT scan càng trở nên quan trọng.
Chính vì vậy, việc ra quyết định có chụp CT scan hay không trong các trường hợp chấn thương đầu ở trẻ em không phụ thuộc vào độ tuổi, mà dựa vào các dấu hiệu nguy cơ. Điều này đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới kiểm nghiệm và chứng minh.
Cụ thể, trẻ có các dấu hiệu nguy cơ cao như đau đầu nhiều, nôn ói, rối loạn tri giác (mất nhận thức, kích động, ngủ gà, kém đáp ứng với lời nói…), hoặc dấu chứng của vỡ sọ (sờ thấy đường nứt sọ, sưng bầm quanh hai mắt, bầm sau tai…) cần được chụp CT scan để loại trừ các tổn thương gây chảy máu trong não.
Trong các trường hợp này, lợi ích của việc chụp CT là vượt trội hơn so với nguy cơ của việc phơi nhiễm tia xạ.
Bác sĩ Cần cũng cho biết thêm đối với trẻ, chỉ có các dấu hiệu nguy cơ trung bình như tụ máu bầm dưới da đầu, đau đầu ít, mất ý thức thoáng qua hoặc cơ chế chấn thương nặng (tai nạn xe hơi, ngã từ độ cao hơn 1m…), việc chụp CT scan có lợi ích tương đồng với nguy cơ.
Do đó, trẻ nên được theo dõi vài tiếng đồng hồ tại bệnh viện, nếu như không có diễn tiến nặng hơn, trẻ có thể được xuất viện với những hướng dẫn theo dõi tại nhà cụ thể từ bác sĩ mà không cần chụp CT scan.
Tuy nhiên bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra quyết định cho trẻ chụp CT scan trong một số trường hợp như: không có điều kiện theo dõi tại nhà, hoặc nhà cách quá xa bệnh viện, không thể đưa trẻ trở lại ngay khi có dấu hiệu trở nặng, hoặc người nhà lo lắng, có nguyện vọng cho trẻ được chụp phim.
“Đối với các trường hợp trẻ bị chấn thương đầu nhẹ, không có các dấu hiệu nguy cơ kể trên thì chỉ cần theo dõi và không cần chụp CT scan”, bác sĩ Cần cho hay.
Lưu ý gì khi chụp CT cho trẻ?
Bác sĩ Cần lưu ý khi chụp CT scan, trẻ phải giữ yên tư thế đầu, tránh rung lắc trong suốt quá trình chụp để hình ảnh đạt chất lượng tốt và không phải thực hiện lại nhiều lần, giúp hạn chế phơi nhiễm tia xạ tối đa cho trẻ và cha mẹ.
Để đạt được điều này cần có sự giải thích, hướng dẫn cặn kẽ từ nhân viên y tế cũng như sự hợp tác tốt của trẻ cùng cha mẹ.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02