Mất chân do... đắp lá cây chữa bệnh
Hoại tử nặng, nhiễm trùng huyết
Giữa tháng 4/2021 BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân N.T.L (64 tuổi, ngụ xã Phú Trung, huyện Tân Phú) bị nhiễm trùng và hoại tử nặng chân phải.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng không giữ lại được chân bà L vì các điểm hoại tử đã loét rộng, nhiễm trùng ở mức nghiêm trọng.
Sau khi hội chẩn, bệnh viện xác định bệnh nhân thiếu máu trầm trọng, mủ trong chân quá nhiều, bốc mùi hôi thối, nhiều tảng thịt đã hoàn toàn hỏng, hoại tử lan cả ra vùng cẳng chân và các vùng cơ chân phải, vi khuẩn đã đi vào máu gây nhiễm trùng huyết. Để cứu chữa, buộc phải cắt bỏ cả chân phải.
Bệnh nhân N.T.L mất chân vì đắp lá cây vào vết thương.
Người nhà bà L cho biết, khoảng giữa tháng 3, bà L có biểu hiện đau ở khớp và sưng. Nhưng bà không đến cơ sở y tế để khám mà tin vào lời truyền miệng của người khác tự lấy lá cây đắp vào chỗ đau.
Càng đắp càng sưng to, mưng mủ, rồi lở loét, thâm đen, thối thịt và nhức dữ dội. Đến giữa tháng 4, thấy vết thương trầm trọng bà L mới đến bệnh viện truyền máu, cấp cứu thì đã muộn, phải cắt chân.
Cách đây không lâu, Trung tâm Chấn thương-Chỉnh hình-Bỏng (BVĐK Khánh Hòa) cũng phẫu thuật nội soi khớp cho bệnh nhân Nguyễn Nhất T (40 tuổi, trú TP. Cam Ranh, Khánh Hòa). T cho biết, bị chấn thương đầu gối chân trái, khớp sưng đau nhưng không hề dùng thuốc kháng sinh hay đến các cơ sở y tế.
Ngược lại, T tìm một số lang băm hỏi về lá cây để chữa trị. Đến khi thấy chân trái ngày càng yếu và teo nhỏ hơn chân phải, cẳng chân và đầu gối đau nhức nhiều, đi lại ngày càng khó khăn mới chịu đến BVĐK Khánh Hòa.
Qua thăm khám, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi khớp vì đã bị viêm nặng, biến đổi màu sắc mặt khớp, bao khớp lỏng lẻo kém đàn hồi, thoái hóa sụn chêm trong và ngoài do bị thương lâu ngày và lạm dụng đắp lá cây.
Tương tự như Nguyễn Nhất T, bà Nguyễn H (56 tuổi, trú Ninh Hòa, Khánh Hòa) phải vào BVĐK Khánh Hòa mổ cấp cứu chân phải do viêm loét, mưng mủ, nhiễm trùng. Bà H cho biết, bị đau khớp nhưng chỉ khám qua loa với thầy lang và dùng thuốc lá giã ra đắp.
Nên làm gì để tránh mất chân, tay?
Theo các bác sĩ BVĐK Thống Nhất, sau ca phẫu thuật, sức khỏe bà L tiến triển tốt. Các bác sĩ đang xử lý tiếp yếu tố nhiễm trùng cho bà L đồng thời khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng lá cây để điều trị bệnh.
BS.Phạm Đình Thành, Khoa Ngoại-Chấn thương-Chỉnh hình (BVĐK Khánh Hòa) cũng đánh giá và khuyến cáo rằng: Thường sau khi bị chấn thương hoặc sưng khớp, mà chỉ đắp thuốc Nam, bôi dầu là không ổn. Để lâu sẽ viêm tấy, lan tỏa và gây phản ứng viêm bên trong khớp gối.
Nặng hơn là nhiễm trùng huyết, hoại thư sinh hơi... Vậy nên ngay sau chấn thương hay có bất thường ở chân nên chườm lạnh, kê cao chân và đến khám chuyên khoa để được tư vấn về hướng điều trị đúng, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
BS. Phan Hữu Chính, Giám đốc BVĐK Khánh Hòa cũng khuyến cáo, bị chấn thương nên đến ngay bệnh viện, tránh để lâu vết thương biến chứng nguy hiểm.
Nhiều năm phẫu thuật các ca bệnh liên quan xương khớp cho thấy càng để muộn, vết thương nặng càng khó chữa, nguy cơ phải cắt chi. Ngày nay, y học nước ta phát triển mạnh không chỉ tuyến trung ương mà cả ở địa phương, cơ sở. Vậy nên người dân có cơ hội được tư vấn, điều trị rất tốt.
Hà Văn Đạo-Cường Lê
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42