Lần đầu tiên ghép hai tạng cho một người ở Việt Nam
Người đàn ông 59 tuổi, quốc tịch Lào, hồi sinh nhờ được ghép thận và gan hiến từ nam thanh niên 19 tuổi chết não ở Bắc Giang.
Bệnh nhân là quân nhân Lào, sang Việt Nam vào tháng 4 điều trị suy thận, được chỉ định ghép thận. Trong quá trình đánh giá sức khỏe để chuẩn bị ghép thận thì bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, không thể ghép thận trên nền bệnh xơ gan, Phó giáo sư Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, cho biết ngày 25/12.
"Bệnh nhân suy cả hai tạng là gan và thận", bác sĩ Nghĩa nói. Chức năng gan bên ngoài còn bảo tồn, song bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thực quản, chạy thận 3 lần một tuần để duy trì sự sống.
Gia đình bệnh nhân mong muốn được hiến hai tạng từ hai người cho sống khác nhau cho ông. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn đánh giá nguy cơ rủi ro cho người bệnh, các bác sĩ cố gắng kéo dài thời gian điều trị, hy vọng có nguồn hiến tạng từ người cho chết não phù hợp.
Ngày 17/12, nam thanh niên 19 tuổi ở Bắc Giang chết não, gia đình xin hiến tạng con. Các bác sĩ tiến hành ghép hai tạng thận, gan cho bệnh nhân Lào.
Bác sĩ Nghĩa cho biết, rất khó để một lúc ghép 2 tạng, bởi phải cùng lúc đặt hai tạng vào cơ thể bệnh nhân. Ở nhiều nước, muốn thực hiện điều này, kíp mổ phải mở đường mổ rất rộng, từ xương ức đến xương mu. Tuy nhiên ca này các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện thường quy đường mổ nhỏ, tránh được cho bệnh nhân tổn thương quá lớn.
"Với ca mổ này, các bác sĩ vừa ghép tạng vừa phải tiếp tục chạy thận lọc máu, điều chỉnh sao mạch máu không tắc, thận hoạt động được. Tiến hành ghép gan trước, ghép thận sau", bác sĩ Nghĩa nói.
Sau 12 tiếng phẫu thuật, thận hoạt động ngay, bệnh nhân không còn phải lọc máu sau mổ. Đến nay sau 5 ngày ghép gan, ghép thận, tình trạng bệnh nhân kiểm soát tốt.
Ông Giang cũng cho biết, từ nguồn tạng của thanh niên Bắc Giang chết não, các bác sĩ bệnh viện Việt Đức cũng vừa ghép phổi, vừa sửa chữa dị tật tim cho một nữ bệnh nhân 30 tuổi. "Đây là ca ghép tạng đặc biệt, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, bệnh nhân cùng lúc nhận 2 tạng từ người cho chết não", ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.
Bệnh nhân này mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay. Nếu không được ghép phổi, người bệnh sớm tử vong do suy chức năng tim – phổi. Chị thường xuyên trong tình trạng thiếu oxy, tím môi và đầu chi, không lao động được, và đã đăng ký ghép phổi ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ cuối năm 2018.
Ca mổ ghép phổi diễn ra trong 12 giờ. Hiện tại, người bệnh đã có thể tự thở, các xét nghiệm đánh giá chức năng phổi ghép tốt, tỉnh táo, tập phục hồi chức năng tại giường, ăn uống tiêu hóa tốt.
Lê Nga
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42