Khó thở, ho khạc coi chừng phổi tắc nghẹn mạn tính
Ông Lê Ngọc Huấn 70 tuổi, ở Thanh Hóa, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2 năm nay, thường xuyên phải nhập viện do không tuân thủ điều trị.
Ông Huấn cùng người thân đến Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khám phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ngày 14/9. Gần đây, ông thường xuyên phải nhập viện vì lên cơn khó thở nặng.
Bác sĩ Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ông Huấn là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc COPD tự ý điều trị hoặc bỏ dở điều trị, không tuân thủ phác đồ của bác sĩ. "Điều này khiến bệnh trở nặng, gây ra những cơn đợt cấp, khó thở dẫn đến tử vong", bác sĩ Hạnh nói.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần. Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh. Bên cạnh đó là các tác nhân ô nhiễm môi trường, khói đốt trong nhà do đun nấu củi, than đá, tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp... COPD có thể dự phòng và điều trị, song người bệnh khó cách ly hoàn toàn khỏi các yếu tố nguy cơ này.
Bệnh nhân khám phổi tắc nghẹn mạn tính tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Nga.
Người mắc bệnh giai đoạn đầu thường có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài, khó thở. Sang giai đoạn sau, bệnh nhân ở thể nặng hơn, khó thở thường xuyên hơn, khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Tình trạng của bệnh nhân có thể xấu đi khi mắc phải các đợt kịch phát. Bệnh phát triển khá âm thầm, những triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Chỉ khi có những cơn đợt cấp, khó thở nặng, người bệnh mới đi khám và phát hiện bệnh.
"Đa số bệnh nhân khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tắc nghẽn đường thở tiến triển nặng khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém", bà Hạnh nói. Thậm chí, khi biết bệnh nhưng bệnh nhân không tuân thủ điều trị, dùng sai thuốc giữa thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng, sử dụng kỹ thuật bình xịt, hút sai dẫn đến hiệu quả chữa bệnh thấp.
Bệnh nhân COPD khi lên cơn đợt cấp sẽ dẫn đến khó thở nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy ngay. Ngoài ra, họ thường mắc phải tình trạng đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Phổi tắc nghẽn mạn tính xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới. Nhiều người bệnh phải thở máy.
Bác sĩ Hạnh cho biết kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc, bỏ điều trị, cần tái khám đầy đủ. Ngoài ra, người bệnh không được hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói, tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Lê Nga
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42