Hội chứng Raynaud là gì, chữa thế nào?
Hội chứng Raynaud là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng, giảm lưu lượng máu đến cung cấp cho các mô và tế bào.
1. Hội chứng Raynaud là gì?
Đây là hội chứng rất thường gặp trong bệnh xơ cứng bì với các giai đoạn điển hình: Co mạch làm bàn tay trắng bệch; giãn mạch gây ứ huyết, tím, đau nhức… sau đó trở lại bình thường.
Khoảng 4% dân số mắc Hội chứng Raynaud, phổ biến hơn ở nữ giới. Độ tuổi khởi phát bệnh rơi vào khoảng 15 đến 30. Bệnh thường gặp ở những khu vực có khí hậu lạnh.
Hội chứng Raynaud được phân loại thành hai nhóm:
- Raynaud nguyên phát: Được gọi là bệnh Raynaud, đây là nhóm thường gặp và ít nghiêm trọng hơn.
- Raynaud thứ phát: Nhóm này ít gặp nhưng có các biểu hiện nặng nề hơn và thường xảy ra ở nhóm người lớn tuổi.
Hội chứng Raynaud là một bệnh hay gặp ở xơ cứng bì.
2. Điều trị hội chứng Raynaud như thế nào?
2.1 Các biện pháp không dùng thuốc
-Bệnh nhân giữ ấm toàn thân, đặc biệt giữ ấm bàn tay, bàn chân bằng cách mặc ấm, đi găng tay, tất chân trong mưa lạnh; tranh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
-Tránh stress tinh thần; không dùng các chất có chứa nicotin (như thuốc lá), caffein (trong cafe).
-Không dùng các thuốc co mạch như amphetamin, ergotamin; không dùng thuốc chẹn beta giao cảm vì dễ gây nên đợt bùng phát hội chứng Raynaud.
-Dựa trên nguyên tắc hỗ trợ tâm lý, luyện tập với sự giúp đỡ của chuyên gia có thể giúp bệnh nhân tạo ra cơ chế điều hòa ngược sinh học, qua đó kiểm soát được lưu lượng máu ngoại vi đến da; làm tăng nhiệt độ da, đặc biệt tại các khu vực đầu chi.
-Với các đợt bệnh thưa, mức độ nhẹ thì chỉ cần các biện pháp dự phòng như trên là đủ. Còn khi các triệu chứng trở nên thường xuyên, nặng, đau nhiều, đặc biệt khi có rối loạn dinh dưỡng đầu chi hay loét thì phải dùng thêm thuốc với mục tiêu giãn cơ trơn mạch máu, làm tăng cường tuần hoàn.
2.2 Các thuốc điều trị Hội chứng Raynaud
Có thể dùng một số thuốc giãn mạch nhóm chẹn kênh canxi; thuốc giãn mạch trực tiếp và gián tiếp khác; thuốc ức chế giao cảm, thuốc đồng phân của prostaglandin…
- Thuốc chẹn kênh canxi được coi là lựa chọn hàng đầu trong điều trị hội chứng Raynaud. Trong đó có thuốc được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng là nifedipin.
Nếu nifedipin không dung nạp được, có thể dùng một số thuốc khác trong nhóm chẹn kênh canxi như amlodipin, diltiazem.
- Các thuốc giãn mạch khác ngoài nhóm chẹn kênh canxi có thể sử dụng bao gồm: Thuốc giãn mạch trực tiếp như nitroglycerin, nitroprussid, hydralazin, papaverin… hoặc thuốc giãn mạch gián tiếp như ketanserin (thuộc nhóm đối kháng serotonin chọn lọc), fluoxetin (ức chế tái hấp thu serotonin), captopril (nhóm ức chế men chuyển), hoặc sindenafil (thuốc ức chế phosphodiesterase).
Khi có biểu hiện bệnh, cần đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm.
Tuy nhiên nhìn chung các thuốc trên không dùng đơn độc để điều trị hội chứng Raynaud. Đặc biệt trong thể nặng mà thường dùng phối hợp với thuốc chẹn kênh canxi do tác dụng cũng như tính dung nạp của thuốc nhóm chẹn kênh canxi tốt hơn.
Ngoài ra, một số thuốc được nghiên cứu sử dụng điều trị trong tăng áp động mạch phổi nhưng lại có hiệu quả trong điều trị hội chứng Raynaud là bosetan. Bosetan là thuốc đối kháng thụ thể nội mô không chọn lọc. Thuốc vừa có tác dụng trong điều trị tăng áp động mạch phổi, lại vừa có tác dụng giảm thiếu máu ở chi, qua đó ngăn cản tình trạng loét, hoại tử ngón.
Các thuốc nhóm đối kháng giao cảm cũng được sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud do cơ chế đối kháng với các thụ thể thần kinh giao cảm, đặc biệt là các thụ thể alpha 2 có nhiều ở mạch ngoại biên. Do đó gây giãn mạch ngoại biên.
Thuốc hay dùng là prazosin, reserpin, methyldopa… Nhìn chung các thuốc này có tác dụng trong đợt cấp. Nhưng tác dụng điều trị giảm dần theo thời gian và có nhiều tác dụng phụ như gây hạ huyết áp tư thế đứng, mạch nhanh…
Một số thuốc đồng phân prostagladin cũng được dùng do tác dụng giãn mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu. Các thuốc chủ yếu hiện dùng thuộc nhóm này như prostaglandin E1. Hoặc iloprost là thuốc đồng phân tổng hợp của prostacyclin.
Các chế phẩm đường uống của prostaglandin E1 hay dạng uống iloprost cũng được sử dụng nhưng dường như ít có hiệu quả trong điều trị hội chứng Raynaud.
Một số điều trị khác cần xem xét sử dụng ở bệnh nhân xơ cứng bì có hội chứng Raynau như thuốc chống ngưng tập tiểu cầu aspirin liều thấp. Chú ý cần thận trọng khi dùng aspirin với thuốc nhóm đồng phân của prostagladin. Do bản thân aspirin lại ức chế prostaglandin, nên giảm tác dụng của thuốc.
Thuốc chống đông heparin hoặc thuốc tiêu sợi huyết như urokinase có thể sử dụng trong trường hợp có tắc mạch ở đầu chi. Một số trường hợp nặng có hoại tử nhiều ở chi hoặc không đáp ứng với thuốc có thể dùng biện pháp phong bế tại chỗ đám rối hạch giao cảm bằng lidocain hoặc bupivacain hoặc phẫu thuật cắt bỏ hạch giao cảm cổ (khi có tổn thương ở ngón tay) hay cắt bỏ hạch giao cảm vùng lưng (khi có tổn thương ở ngón chân). Nếu có hoại thư nhiều có thể cắt lọc tại chỗ, thậm chí cắt bỏ đầu chi tổn thương.
Lưu ý, người bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng thuốc theo dõi những bất lợi (có thể xảy ra), thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42